ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Nhà nước trợ sức, người dân tự lực

Thứ Hai, 26/10/2020, 21:13 [GMT+7]
In bài này
.

Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, người dân tự làm, cộng đồng giúp đỡ”, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn II (2016-2020) trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 48/2016/NQ-HĐND, đời sống đồng bào đã từng bước đổi thay. 

Bà Lý Thị Hương (giữa) đã vươn lên thoát nghèo và hiện là thành viên Tổ Dân vận ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ.
Bà Lý Thị Hương (giữa) đã vươn lên thoát nghèo và hiện là thành viên Tổ Dân vận ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ.

TRAO “CẦN CÂU” CHO ĐỒNG BÀO

Theo Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh có 28 thành phần dân tộc thiểu số, với 7.434 hộ, 31.722 khẩu (bao gồm cả người nước ngoài), chiếm gần 3% dân số toàn tỉnh. Trong 5 năm qua, đời sống ĐBDTTS đã có nhiều đổi thay tích cực nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ các chương trình, chính sách của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của chính đồng bào. 

Một trong những chính sách được triển khai có hiệu quả là Nhà nước hỗ trợ về vốn để đồng bào mua con giống, làm chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Song song đó, cơ quan chức năng cũng quan tâm công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp đồng bào gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống. 

Về ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, nhiều người dân vẫn nhắc đến gia đình bà Lý Thị Hương (dân tộc Châu Ro) như một điển hình. Trước đây, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo. Được vay 28 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, bà đã dùng để đầu tư nuôi bò, trồng hồ tiêu, điều và mở cửa hàng tạp hóa. Để có kiến thức chăn nuôi, bà Hương tích cực tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật. Nhờ chăm chỉ lao động, lại biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên từ 2 con bò giống ban đầu, đến nay đàn bò của gia đình bà Hương đã phát triển lên 8 con. Hiện nay, mỗi năm gia đình bà có thu nhập gần 100 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi bò và trồng tiêu, bán tạp hóa. 

Gia đình bà Hương đã thoát nghèo, có của ăn của để và đã xây dựng được căn nhà khang trang, là nơi sinh sống của đại gia đình, lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười đùa của con trẻ. “Nhờ chính quyền giúp đỡ vay vốn để phát triển kinh tế, lại được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên đời sống gia đình tôi từng bước được cải thiện. Hiện nay, tôi đã tham gia Tổ dân vận ấp Tân Thuận để vận động đồng bào cùng phát triển kinh tế. So với những năm trước, hiện nay, đời sống đồng bào ngày càng khấm khá hơn. Nhà nào cũng có điện, nước, đường sá khang trang, sạch đẹp nên ai cũng mừng và một lòng tin theo Đảng, Nhà nước”, bà Hương chia sẻ.

CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ KẾT CẤU HẠ TẦNG

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư về kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa tại các vùng đồng bào DTTS. Theo đó, giai đoạn 2017-2021, UBND tỉnh bố trí hơn 176,6 tỷ đồng để thực hiện đầu tư 73 công trình trên địa bàn 4 huyện, thị xã vùng đồng bào DTTS (bao gồm huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ và TX. Phú Mỹ), đến nay đã xây dựng và đưa vào sử dụng 47 công trình phục vụ đồng bào DTTS; 16 công trình đang hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2020, còn lại 10 công trình tiếp tục được đầu tư trong năm 2021.

Ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay, sau 5 năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS giai đoạn II (2016-2020) trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 48/2016/NQ-HĐND, nhiều mục tiêu đặt ra đã cơ bản đạt được, làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng nông thôn. Các tuyến đường liên thôn, ấp được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương trao đổi hàng hóa của nhân dân. 

Cụ thể, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Các công trình điện trung, hạ thế được đầu tư đảm bảo điện sinh hoạt cho nhân dân vùng đồng bào DTTS. Tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 99,75% (đầu năm 2016 tỷ lệ hộ sử dụng điện là 95,6%), trong đó 97,89% hộ được mắc đồng hồ điện. Các công trình cấp nước sinh hoạt đã mang lại hiệu quả, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho những vùng thiếu nước vào mùa khô góp phần đảm bảo sức khỏe cho đồng bào. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%, trong đó 75% hộ sử dụng nước máy, tăng 14% so với đầu năm 2016. Tỷ lệ gia đình có hố xí hợp vệ sinh theo chuẩn đạt 88,8%, tăng 8,8% so với đầu năm 2016. Đồng bào bước đầu đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ đã chủ động vay thêm tiền từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư chuồng trại, mua thêm con giống, góp phần giảm nghèo. Nhà ở của đồng bào ngày càng rộng rãi, khang trang, kiên cố.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thực hiện tốt công tác dân tộc trên địa bàn. Căn cứ Kế hoạch số 338-KH/TU ngày 27/4/2020 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của BCH Trung ương Đảng (Khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới; Quyết định số 1409/QĐ-TTg ngày 15/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, tiếp tục nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.