Thai phụ nên cẩn trọng với thận ứ nước nhiễm khuẩn

Thứ Bảy, 25/07/2020, 07:33 [GMT+7]
In bài này
.

Thận ứ nước nhiễm khuẩn trong thai kỳ là một tình trạng cấp cứu, có nguy cơ diễn tiến sốc nhiễm khuẩn, tử vong cho cả mẹ và bé. Thai phụ nên cẩn trọng khi gặp các biểu hiện như đau hông lưng đột ngột, tiểu gắt, tiểu lắt nhắt, nước tiểu đục, sốt, lạnh run kèm buồn nôn vì đó có thể là biểu hiện của thận ứ nước nhiễm khuẩn. 

Siêu âm chẩn đoán cho thai phụ tại Bệnh viện Bình Dân TP.Hồ Chí Minh.
Siêu âm chẩn đoán cho thai phụ tại Bệnh viện Bình Dân TP.Hồ Chí Minh.

Mang thai làm tăng nguy cơ thận ứ nước

Thận bảo đảm hai chức năng: lọc máu để loại bỏ lượng nước dư thừa, muối và các chất thải ra khỏi cơ thể; đồng thời thận cũng thực hiện chức năng khác là thu thập nước tiểu. Khi phần thận thu thập nước tiểu bị tắc nghẽn, sự tích tụ nước tiểu gây ứ nước thận. Thận ứ nước còn có thể do các cơ quan khác của hệ tiết niệu bao gồm hai niệu quản, bàng quang và niệu đạo gặp vấn đề, làm cho nước tiểu ngược dòng đến thận, gây thận ứ nước.

Tình trạng thận ứ nước trong thai kỳ rất phổ biến. Thực tế, có khoảng 80% thai phụ gặp tình trạng thận ứ nước. Nguyên nhân thường là do tử cung tăng kích thước chèn lên niệu quản cũng như sự giãn cơ trơn trên thành niệu quản vì tác dụng của hormone progesterone sản sinh trong quá trình mang thai khiến phụ nữ dễ gặp tình trạng thận ứ nước.

Nguy cơ bị thận ứ nước trong thai kỳ tăng dần từ tuần thứ 14 của thai kỳ, xuất hiện nhiều vào 3 tháng cuối thai kỳ và tồn tại đến khoảng 4-12 tuần sau sinh. Hầu hết các trường hợp thai phụ bị thận ứ nước bên phải, ít gặp là bên trái và hiếm khi xảy ra cả hai bên.

Mặc dù thường gặp nhưng có đến 90% thận ứ nước trong thai kỳ là hiện tượng sinh lý bình thường, không cần can thiệp điều trị và tình trạng thận sẽ trở về bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu thận ứ nước nhiễm khuẩn thì lại nguy hiểm với thai phụ. Theo Hội Niệu khoa châu Âu, khoảng 0,2%-3% phụ nữ mang thai bị thận ứ nước nhiễm khuẩn thai kỳ. Trong đó, khoảng 6% trong số này diễn tiến đến sốc nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng cho cả mẹ và bé. Do đó, thận ứ nước nhiễm khuẩn thai kỳ là một cấp cứu về niệu khoa và sản phụ khoa.

Lưu ý cho phụ nữ có thai và chuẩn bị mang thai
* Phụ nữ có bệnh lý đường tiết niệu nên được bác sĩ niệu khoa khám và tư vấn trước khi có kế hoạch sinh con.
* Trong thời gian mang thai, thai phụ cần được làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
* Nếu có tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi mang thai, người bệnh cần được điều trị đúng và đủ thời gian, theo dõi thường xuyên và tái khám về sau. 

Những nguyên nhân có thể gây thận ứ nước nhiễm khuẩn trong thai kỳ gồm tắc nghẽn đường tiết niệu, tình trạng nhiễm khuẩn niệu không được điều trị đúng và đủ, các bệnh nền của đường tiết niệu, đái tháo đường, đa thai, đa ối…

Các nguyên nhân khác thường gây ra hoặc làm nặng hơn tình trạng ứ nước của thận trong quá trình mang thai là các phụ nữ vốn có tiền căn sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản…), hẹp niệu quản, trào ngược bàng quang-niệu quản, u xơ tử cung…

Triệu chứng dễ nhầm lẫn

Triệu chứng của thận ứ nước nhiễm khuẩn thai kỳ thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác có liên quan đến thai kỳ. Tuy nhiên, người mang thai cần đi khám kịp thời khi có các triệu chứng sau: Đau vùng hông lưng đột ngột. Sốt, có thể kèm theo lạnh run. Nôn, buồn nôn. Tiểu gắt, tiểu lắt nhắt, tiểu đục…

Các xét nghiệm cần thực hiện

Để hỗ trợ cho chẩn đoán chính xác và đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả, nhanh chóng, thai phụ nghi ngờ bị thận ứ nước nhiễm khuẩn được bác sĩ chỉ định thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm sau:

Siêu âm: Thường được thực hiện đầu tiên vì tính tiện lợi trong chẩn đoán  bệnh và an toàn trên thai nhi. Siêu âm giúp chẩn đoán tắc nghẽn thận và niệu quản, cũng như chẩn đoán mức độ, nguyên nhân gây tắc nghẽn, sức khỏe của thai nhi và khảo sát các cơ quan khác trong bụng.

Xét nghiệm nước tiểu và cấy nước tiểu: Phát hiện tình trạng nhiễm khuẩn và xác định vi khuẩn đường tiết niệu.

Xét nghiệm sinh hóa máu: Giúp đánh giá tình trạng viêm qua lượng bạch cầu máu, đánh giá chức năng thận của thai phụ.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp an toàn trên thai nhi, có thể được chỉ định sau siêu âm trong những trường hợp khó, cộng hưởng từ giúp xác định mức độ tắc nghẽn và các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiết niệu (do sỏi thận hay do niệu quản hẹp…).

Cần có sự phối hợp của bác sĩ niệu khoa và sản khoa
Thận ứ nước nhiễm khuẩn thai kỳ là một tình trạng cấp cứu nên thai phụ sẽ được nhập viện để điều trị và theo dõi sức khỏe mẹ và thai nhi. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ niệu khoa và sản phụ khoa.
Theo ThS.BS Phan Mạnh Linh, Khoa Lọc máu - Nội thận, Bệnh viện Bình Dân TP.Hồ Chí Minh, điều trị thận ứ nước nhiễm khuẩn thai kỳ đòi hỏi phải cân nhắc khi lựa chọn phương tiện chẩn đoán, cân nhắc dùng thuốc và phẫu thuật để vừa bảo đảm điều trị tốt cho người mẹ, vừa an toàn cho sự phát triển của thai nhi. Khi được xác định là thận ứ nước nhiễm khuẩn, thai phụ sẽ được tiêm kháng sinh và dùng thuốc giảm đau trong khoảng 5 ngày. Sau đó, có thể chuyển sang dùng kháng sinh đường uống nếu tình trạng nhiễm khuẩn đáp ứng tốt.
Nếu trong quá trình điều trị bằng thuốc mà tình trạng nhiễm khuẩn không giảm, bác sĩ sẽ đặt ống thông JJ để giúp giải quyết bế tắc đường tiết niệu. Trước can thiệp đặt thông JJ, các bác sĩ niệu khoa luôn có hội chẩn với các bác sĩ phụ sản để đánh giá nguy cơ trên thai, loại trừ nguy cơ chuyển dạ sớm, sinh non. Thông JJ là một ống rỗng bằng chất dẻo được đặt vào niệu quản để lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang, nhờ đó thận không bị ứ nước nữa. Kỹ thuật này được bác sĩ tiết niệu thực hiện trong phòng phẫu thuật. Ống thông JJ sẽ được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh sau khi sinh 1 tháng. Thai phụ được theo dõi, làm các xét nghiệm và siêu âm kiểm tra trong suốt quá trình nằm viện khoảng 7-14 ngày. Sau khi tái khám, người bệnh được bác sĩ tiết niệu theo dõi mỗi tháng cho đến khi sinh để kiểm tra tình trạng đường tiết niệu.
ThS.BS Phan Mạnh Linh chia sẻ thêm: Nhiều trường hợp thai phụ bị thận ứ nước nhiễm khuẩn, người nhà và người bệnh thường lo lắng, căng thẳng quá mức do sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, bên cạnh việc điều trị thì việc trấn an và chăm sóc phù hợp cho thai phụ cũng rất quan trọng. Khi thai phụ bị thận ứ nước một bên thì nên nằm nghiêng sang bên ngược lại để cảm thấy dễ chịu hơn, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp sớm kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn trên thận ứ nước.

TRẦN NHUNG

 
;
.