Hiểu và vượt qua chấn thương tâm lý

Thứ Năm, 23/07/2020, 21:07 [GMT+7]
In bài này
.

Tiến sĩ, chuyên gia tâm lý giáo dục Lê Nguyên Phương (giảng viên chương trình cao học bộ môn Tâm lý học, Trường ĐH Chapme, Mỹ) vừa có buổi nói chuyện với phụ huynh, GV và HS trên địa bàn TP. Vũng Tàu về các vấn đề chấn thương tâm lý (CTTL). Cuộc nói chuyện đã tháo gỡ cho nhiều trường hợp đang gặp CTTL từ các mối quan hệ trong gia đình, xã hội.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương chia sẻ kiến thức về chấn thương tâm lý với phụ huynh, GV và HS trên địa bàn TP.Vũng Tàu.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương chia sẻ kiến thức về chấn thương tâm lý với phụ huynh, GV và HS trên địa bàn TP.Vũng Tàu.

AI CŨNG CÓ THỂ CHẤN THƯƠNG TÂM LÝ

Nguyễn Thị Hà (20 tuổi, nhà ở phường 8, TP.Vũng Tàu) kể, em và ba thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, khiến Hà không thể hòa hợp với ba. Ví dụ như, Hà muốn học ngành du lịch, nhưng ba lại ép em thi y dược, tài chính hay kinh tế vì chỉ học những ngành này mới khiến ba “nở mày nở mặt” với đồng nghiệp, người thân. Em không làm theo lời ba nên hai cha con thường xảy ra xung đột. “Em không nhớ mình phải ăn cơm với nước mắt bao nhiêu lần nữa. Ba hay đưa ra những lỗi lầm của em để la mắng. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến tôi bị tổn thương. Tôi luôn sống trong sự tự ti và đánh giá thấp bản thân”, Hà kể.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương phân tích, người lớn thường chịu áp lực nhiều phía: công việc, tiền bạc, các mối quan hệ gia đình, xã hội… nhưng không biết cách điều hòa nên khi về nhà hay la mắng con cái để trút cơn giận. Việc này đã gây ra cho con cái CTTL. “Muốn hai cha con giảm xung đột, em không nhất thiết phải loại ba ra khỏi đầu óc, nhưng hạn chế tiếp xúc ba. Em đừng sợ điều này là bất hiếu. Trong trường hợp này, chúng ta cần có sự thay đổi cách tiếp cận để giảm sự căng thẳng trước khi tìm giải pháp hữu hiệu để đi đến tiếng nói chung”, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương khuyên.

Chị Trần Thị Loan (phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) có con trai được hơn 3 tuổi thì chị sinh thêm bé thứ hai. Việc có thêm em bé đã khiến “anh hai bé nhỏ” này bị sốc và thay đổi tính nết. Bé thường xuyên quấy khóc, khi ngủ hay giật mình và hét lên “mẹ đừng bỏ con” và luôn ôm chặt lấy mẹ vào ban đêm. Ở lớp, bé dễ bị kích động, hay đánh bạn và không muốn chơi với ai. Thấy con quấy, người bố trẻ chưa có kinh nghiệm này lại trừng phạt con bằng cách nhốt trong phòng. “Vợ chồng tôi rất mệt mỏi nhưng chưa có cách nào giúp con thích nghi với sự thật là có thêm em”, chị Loan cho hay.

Với trường hợp này, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho rằng nhốt con trong phòng để trừng phạt con là việc làm thiếu sáng suốt. Tình trạng này khiến trẻ hoảng sợ, ghi nhớ vào trí óc và rất khó quên, trở thành nỗi ám ảnh khi lớn lên. Vì vậy, khi con mắc lỗi, cha mẹ không nên nhốt con như trường hợp của gia đình chị Loan. Đứa trẻ bị sốc do nhận ra ba mẹ dành nhiều thời gian chăm sóc em, thiếu quan tâm tới mình. Từ đó, trẻ có cảm giác không còn được ba mẹ yêu thương như trước. “Ở độ tuổi 2-3, hệ thần kinh cảm xúc của trẻ tiếp tục phát triển nên khi có sự thay đổi trong cuộc sống, trẻ dễ bị kích động. Không để đến lúc bé khóc, người mẹ mới đến dỗ dành. Mỗi lúc rảnh, người mẹ hãy chủ động ôm con vào lòng, vuốt ve, vỗ về và lắc lư cho con. Điều đó sẽ tạo cho con cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, thư giãn để trấn an tinh thần và gắn kết tình mẹ con. Khi đó, tâm con sẽ an thì tâm mẹ cũng thanh thản”, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương tư vấn.

3 PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TÂM LÝ

Hiện nay, CTTL xảy ra với bất kỳ ai. CTTL được biểu hiện bằng một rối loạn tâm lý bởi phản ứng cảm xúc đối với một biến cố kinh khủng như tai nạn, bị cưỡng hiếp hay thiên tai. Các nguy cơ gây CTTL là có mặt gần một biến cố chấn động tâm lý; trải nghiệm một sự kiện chấn động tâm lý trong quá khứ; đã hoặc đang mang bệnh tâm thần hoặc khuyết tật; phụ huynh nghiện ngập hoặc mang bệnh tâm thần, bị cô lập hoặc thiếu sự hỗ trợ xã hội; gia đình căng thẳng, mâu thuẫn, xung đột thường xuyên; mất người thân hoặc sự sợ hãi mất người thân...

Phản ứng khi xảy ra CTTL thường được thể hiện ở tâm trạng tuyệt vọng, hoang tưởng, thấy trống rỗng; cảm giác lạc lõng, đau, mất cảm giác, rối loạn hưng trầm cảm và vận động; trí không tập trung hoặc mất trí nhớ. Trẻ em bị CTTL thường có các dấu hiệu: gián đoạn hay cắt đứt quan hệ bạn bè; suy giảm năng lực hoặc không quan tâm đến những sinh hoạt từng yêu thích; quan hệ gia đình căng thẳng; học hành sa sút, trốn học; than phiền về sức khỏe mà không có nguyên nhân rõ ràng; chạy trốn theo hướng tiêu cực, sử dụng chất gây nghiện, tính khí hung hãn… CTTL sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ, tư duy, tình cảm, cảm xúc, thái độ hành vi (ngắn hạn) và tư thế hay cấu trúc thân thể, di truyền biểu sinh (dài hạn).

Theo Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, có 3 phương pháp điều trị tâm lý gồm: liệu pháp nhận thức, liệu pháp hành vi và thiền minh sát hoặc chánh niệm. Việc chữa lành CTTL phụ thuộc vào 6 chữ “tự”: tự thức, tự tri, tự chủ, tự quyết, tự lập và tự do. “Khi khôi phục được tâm lý, tâm trí con người tự tin hơn, ngôn ngữ nói ngắn gọn và súc tích, thân thể chuyển động theo hướng thoải mái hơn”, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.