"Leo nhặt" và thông điệp bảo vệ môi trường

Chủ Nhật, 10/05/2020, 06:45 [GMT+7]
In bài này
.

Một ngày cuối tháng Tư, anh Lê Trung Nghĩa, quản trị viên nhóm Trekking Vũng Tàu đăng lên facebook của nhóm về kế hoạch tổ chức chuyến “leo nhặt” diễn ra vào cuối tuần. Nhìn hình ảnh rác thải tràn ngập trên các tuyến hẻm 444 Trần Phú, Phường 5, TP. Vũng Tàu, nhiều người đã nhanh chóng đăng ký với mong muốn chung tay dọn rác, góp phần làm sạch – đẹp khu vực này.

Đôi bạn Bùi Tuấn Minh (phải) và Phạm Huy Hoàng tham gia “leo nhặt” cùng ba mẹ.
Đôi bạn Bùi Tuấn Minh (phải) và Phạm Huy Hoàng tham gia “leo nhặt” cùng ba mẹ.

NÚI RỪNG LÀ NHÀ

Lê Trung Nghĩa chia sẻ, khi đạp xe lên Núi Lớn theo hẻm 444 Trần Phú, anh nhận thấy có rất nhiều rác thải do các bạn trẻ lên đây vui chơi, ăn uống bỏ lại ven rừng, quanh sườn núi. “Trước đó, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức các hoạt động tương tự nên tôi liền thông báo lên nhóm, kêu gọi mọi người cùng tham gia. Tuy nhiên, để hạn chế tụ tập đông người, nhóm chỉ nhận không quá 20 người tham gia. Sau vài giờ, số thành viên đăng ký đã đủ”, Nghĩa cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (Phường 4, TP. Vũng Tàu) cùng cậu con trai 9 tuổi - Vũ Khiêm - tham gia chuyến “leo nhặt” này cho biết, gia đình chị thường xuyên đi bộ leo núi nhằm rèn luyện sức khỏe và tạo sự gắn kết giữa các thành viên. Càng leo núi nhiều, chị càng thấy yêu phong cảnh thiên nhiên nơi mình sinh sống và tự thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ nó.

Để chuẩn bị cho chuyến “leo nhặt” này, chị đã hướng dẫn con trai sơn, vẽ khẩu hiệu tuyên truyền lên tấm gỗ và tô màu để treo lên cây, tại những nơi nhiều người hay tập trung ngồi nghỉ ngơi hoặc dễ thấy. Thông điệp được Khiêm mang đến là: “Bạn đem gì vào rừng thì đem ra thứ ấy”, “Núi rừng không phải nơi để đến thăm. Bạn ấy là một ngôi nhà”. Với chuyến “leo nhặt” lần này, chị muốn con trai mình và nhiều người hiểu rằng yêu thương cũng cần có sự hiểu biết. “Họ đã nhận ra sự xuất hiện của mẹ thiên nhiên là một món quà vô giá mà mỗi ngày chúng ta đang đón nhận. Những hơi thở của họ được cung cấp bởi ai? Ánh sáng mỗi buổi mai thức dậy là từ đâu?”, chị Thanh Thảo chia sẻ.

Sau hơn 2 giờ tích cực “leo nhặt”, trên quãng đường dài khoảng 4km, nhóm đã thu được 16 bao rác các loại và đốt, tiêu hủy tại chỗ, trong đó có nhiều rác thải nhựa. Nhóm cũng đăng những tấm hình của hoạt động ý nghĩa này lên facebook nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng. Những tấm hình ghép đôi “trước và sau” chuyến leo nhặt cho người xem nhận thấy sự khác biệt khi có rác và không có rác thải. “Điều chúng tôi muốn gửi gắm vào những bức hình là muốn mọi người nhìn thấy vẻ đẹp của núi rừng khi không có rác”, anh Nghĩa chia sẻ.

LAN TỎA THÔNG ĐIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Một gia đình tham gia leo núi và nhặt rác.
Một gia đình tham gia leo núi và nhặt rác.

Anh Bùi Quang Tiến (90, Mạc Đĩnh Chi, TP. Vũng Tàu), một trong những quản trị viên của nhóm Trekking Vũng Tàu cho biết, anh thường xuyên tham gia các hoạt động “leo nhặt” vì muốn vừa rèn luyện sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường. Với mục đích đó, anh đã rủ thêm cậu con trai 7 tuổi là Bùi Tuấn Minh và bé rất phấn khởi khi tham gia hoạt động này. “Tôi muốn rèn luyện cho cháu ý thức giữ gìn vệ sinh cộng đồng, gần gũi và hiểu biết về thiên nhiên trên thực tế. Xa hơn nữa, chúng tôi mong muốn lan tỏa đến cộng đồng thông điệp nâng cao ý thức, chung tay giữ gìn môi trường và vẻ đẹp của tự nhiên”, anh Tiến nói.

Là người yêu thích đi bộ, leo núi, chị Đặng Thị Phú Minh (hẻm 93, Lê Lợi, phường Thắng Nhì) nhận thấy, nhiều người còn chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, xả rác bừa bãi nơi công cộng. “Tôi mong muốn Tỉnh Đoàn phát động lực lượng ĐVTN tổ chức ra quân thu gom rác thải tại một số khu vực công cộng như: đường Hải Đăng, đường Trần Phú (đoạn gần nhà hàng Gành Hào), đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi. Vài chục con người thì không thể dọn xuể những đống rác mà hàng ngàn người thải ra. Vì vậy, để hạn chế rác thải, cần sự chung sức và ý thức của cả cộng đồng”, chị Minh nói.

Bài, ảnh: NGUYỄN ĐỨC

;
.