Giáo viên mầm non làm video dạy trực tuyến

Thứ Sáu, 08/05/2020, 21:28 [GMT+7]
In bài này
.

Trong thời gian HS phải nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, GV một số trường MN trên địa bàn tỉnh đã quay và dựng video nhằm hướng dẫn trẻ học bài tại nhà hiệu quả. 

Cô Nguyễn Thị Xuân Hồng và cô Nguyễn Thanh Hương, GV lớp 4-5 tuổi, Trường MN Sơn Ca (TP. Bà Rịa)  quay video bài “Gấp thuyền giấy”.
Cô Nguyễn Thị Xuân Hồng và cô Nguyễn Thanh Hương, GV lớp 4-5 tuổi, Trường MN Sơn Ca (TP. Bà Rịa) quay video bài “Gấp thuyền giấy”.

GV THÀNH “Ê KÍP” LÀM PHIM

Có mặt tại Trường MN Sơn Ca (TP. Bà Rịa), chúng tôi may mắn được chứng kiến không khí “ghi hình” hối hả, bận rộn của các GV. Tại khu vận động của trẻ, trên thảm cỏ nhân tạo xanh mướt, cô Nguyễn Thị Xuân Hồng, GV lớp 4-5 tuổi 1 chuẩn bị sẵn thau đựng nước và những chiếc thuyền giấy gấp sẵn, cùng giấy màu cho video dạy trẻ gấp thuyền giấy. Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, GV lớp 4-5 tuổi 3 phụ trách việc ghi hình, cũng tất bật hỗ trợ cô Hồng sắp xếp “đạo cụ”, trang phục trước khi lên hình. Nắng hè oi ả, gương mặt lấm tấm mồ hôi nhưng nụ cười vẫn tươi tắn, bởi với các cô, được “lên lớp” đã là một niềm vui, dù là theo một cách rất đặc biệt. 

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, việc làm video hướng dẫn trẻ tự học tại nhà đã được nhà trường thực hiện từ cuối tháng 2, trong bối cảnh trẻ có thể phải nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch bệnh. Từ tháng 4, khi có chỉ đạo chung của Sở GD-ĐT, hoạt động này được tăng cường và thực hiện một cách bài bản hơn. Dựa trên chương trình tinh giản, GV tất cả các khối lớp (từ lớp 19-24 tháng) triển khai làm video tập trung vào các hoạt động, kiến thức cần thiết cho trẻ như tạo hình, âm nhạc, thể dục... Sau khi ghi hình bài giảng, GV tự dựng thành video hoàn chỉnh hoặc chuyển các đoạn video về tổ Công nghệ thông tin của trường để hoàn thiện. Mỗi video của trường có thời lượng trung bình khoảng 2-3 phút. Các sản phẩm trước khi gửi cho phụ huynh, đưa lên mạng xã hội đều đã được tổ chuyên môn, Ban Giám hiệu nhà trường thẩm định để bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng. 

Đến nay, nhiều trường MN trên địa bàn tỉnh đã triển khai làm video hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) cho biết, từ giữa tháng 4, cán bộ, GV và cả nhân viên cấp dưỡng của trường đã bắt tay làm video hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động học tập như kể chuyện, đọc thơ, múa hát… hoặc học các kỹ năng sống như gấp quần áo, giúp mẹ luộc trứng hoặc phòng chống tai nạn thương tích… Từ ngày 23/4, định kỳ 2 tuần, nhà trường đưa lên website của trường 12-13 video để các bé được học. 

Do đặc thù lứa tuổi, trẻ MN không thể tiếp xúc lâu với màn hình máy tính, điện thoại thông minh để học trực tuyến qua ứng dụng như các bậc học khác. Vì vậy, từ tháng 4, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục MN trên địa bàn tỉnh tiếp tục hướng dẫn thực hiện việc tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ, đồng thời xây dựng video hỗ trợ phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Các nhà trường thành lập hội đồng thẩm định, lựa chọn ngân hàng video đã thực hiện để hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Sở GD-ĐT đã yêu cầu mỗi đơn vị chọn từ 5-10 video chất lượng gửi về Sở để tạo kho tư liệu chia sẻ với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
(Bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT)

“VẤT VẢ NHƯNG VUI”

Đó là khẳng định của cô Vương Thị Bích Liễu, GV lớp 3-4 tuổi, thành viên tổ Công nghệ thông tin Trường MN Sơn Ca. Để đem đến cho HS những video hấp dẫn, sinh động, cô Liễu cùng nhiều GV trong trường đã tự nghiên cứu, tìm hiểu về các phần mềm dựng phim. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, cô Liễu đã trở thành một kỹ thuật viên khá “cứng”, vừa làm video cho lớp mình, vừa hỗ trợ đồng nghiệp. “Tôi dùng phần mềm Premiere để dựng video. Trung bình mỗi video tôi xử lý trong khoảng 30 phút, vừa ghép các đoạn ngắn, vừa lồng nhạc, chạy chữ… Những video phức tạp hơn có thể mất khoảng 2-3 tiếng”, cô Liễu nói.

Cô Nguyễn Thị Thùy Linh, GV lớp 3-4 tuổi 1, Trường MN Châu Thành cho biết, một video dù chỉ vài phút nhưng công đoạn chuẩn bị, thực hiện phải mất vài ngày. Trước hết, GV phải soạn nội dung bài, chuẩn bị đồ dùng cần thiết. Sau đó, các cô sẽ ghi hình từng đoạn ngắn rồi ráp lại bằng phần mềm dựng phim, chèn thêm các hiệu ứng để video sinh động hơn. Theo cô Linh, dạy bằng hình thức này, GV phải “gói gọn” 1 tiết học kéo dài tới 25 - 30 phút trên lớp vào 1 video chưa đầy 5 phút. “Trên lớp, GV hướng dẫn trực tiếp cho trẻ, còn tại nhà, các bé tự thực hành hoặc học theo hướng dẫn của GV, phụ huynh. Do vậy, trong khi HS nghỉ học, phụ huynh nên dành thời gian cùng trẻ học bài để việc học tập đạt hiệu quả tốt hơn là phó mặc cho con tự học”, cô Linh lưu ý.

Trong bối cảnh HS MN phải nghỉ học dài ngày để phòng dịch, cách làm này của các nhà trường đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh. Chị Trần Thanh Hiền, phụ huynh HS Trường MN Châu Thành cho hay: “Gia đình tôi có 2 bé đang theo học tại trường. Nhận được video các cô giáo gửi qua nhóm Zalo của lớp, tôi đã cho các con xem và hướng dẫn làm theo. Các cháu tỏ ra rất thích thú, háo hức vì được học với cô giáo của mình. Đặc biệt, các con được theo dõi video đạt chuẩn, phù hợp với lứa tuổi nên hiệu quả và an toàn hơn nhiều so với việc cho trẻ theo dõi các chương trình hoặc video trên mạng mà chưa qua thẩm định”.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

;
.