Dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng

Thứ Bảy, 18/04/2020, 08:08 [GMT+7]
In bài này
.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, đó là chuyển sang mua sắm online và chi tiêu tiết kiệm hơn. Kéo theo đó, phương thức kinh doanh của DN, cửa hàng bán lẻ cũng đang dần thay đổi.

Nhân viên Co.op Mart Vũng Tàu đi chợ giùm khách qua đơn đặt hàng online.
Nhân viên Co.op Mart Vũng Tàu đi chợ giùm khách qua đơn đặt hàng online.

THAY ĐỔI THÓI QUEN  NỘI TRỢ

Nếu như trước đây, bà Đặng Ngọc Hoài An (870, Bình Giã, TP. Vũng Tàu) mỗi khi có thời gian rảnh thường rủ bạn bè đi dạo phố, shopping hoặc ăn uống, cà phê tán gẫu thì từ khi dịch COVID-19 xảy ra, bà đã thay đổi dần thói quen tiêu dùng và hạn chế các hoạt động này, đồng thời lên kế hoạch kiểm soát chi tiêu để đề phòng dịch bệnh sẽ còn kéo dài. “Qua những bữa ăn do mình tự chế biến tôi thấy thú vị và tiết kiệm được một khoản chi phí. Việc mua thực phẩm cũng được cân nhắc và chỉ mua những thứ thực sự cần thiết, số lượng vừa đủ dùng”, bà Hoài An cho hay.

Còn với bà Nguyễn Thị Hạnh (phường Long Toàn, TP. Bà Rịa), trong thời gian cao điểm kiểm soát dịch bệnh, các hàng quán đóng cửa nên bà luôn chủ động nấu ăn ngày 3 bữa cho gia đình. Cuối tuần, bà cũng tự pha cà phê, xay sinh tố, làm bánh cho các con thưởng thức thay vì đến hàng quán như trước. “Những thay đổi thói quen tưởng chừng rất nhỏ, nhưng lại giúp gia đình tôi tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Quan trọng hơn là các thành viên trong gia đình có thời gian quan tâm, chăm sóc nhau nhiều hơn. Các con cũng thích thú chờ đến cuối tuần để được cùng mẹ làm bánh, làm sinh tố”, bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ.

Có thể thấy, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày, việc làm và nguồn thu nhập của mỗi người dân. Đặc biệt, với việc thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly toàn xã hội, các cơ sở sản xuất, dịch vụ, hàng quán đều tạm dừng hoạt động, nhiều người từng bước thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng để phù hợp với tình hình mới, tiết kiệm chi tiêu để bảo đảm cuộc sống trong giai đoạn khó khăn. Người tiêu dùng cũng giảm số lần ra ngoài mua sắm thực phẩm thiết yếu, thay đổi phương pháp mua hàng và đặc biệt quan tâm đến chất lượng thực phẩm nhiều hơn.

DN CŨNG CHUYỂN HƯỚNG KINH DOANH

Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh BR-VT (Baseafood) cho biết, từ đầu năm đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu. Qua nắm bắt thị trường, công ty nhận thấy các mặt hàng thực phẩm là không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người dân nên đã đưa vào hoạt động loại hình kinh doanh mới, đó là kinh doanh online. “Mặc dù dịch COVID-19 mang lại nhiều thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội để DN giới thiệu đến với người tiêu dùng các sản phẩm thủy hải sản đông lạnh của công ty đến người tiêu dùng. Qua đó góp phần thay đổi sự nhìn nhận của người tiêu dùng về sản phẩm thủy hải sản đông lạnh. Công ty đã xây dựng đội ngũ riêng và phát triển kênh bán hàng trực tuyến của công ty. Thông qua đội ngũ bán hàng này, công ty giới thiệu đến người dân các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh được sản xuất theo dây chuyền hiện đại với nhiều ưu điểm như: chất lượng xuất khẩu, kiểm soát VSATTP, tiện dụng khi sử dụng và giá thành bằng hoặc rẻ hơn sản phẩm cùng loại bán tại các chợ truyền thống”, ông Tường nói thêm.  

Mỗi ngày nhân viên của Lotte Mart Vũng Tàu nhận đơn hàng, trực tiếp lựa chọn, kiểm tra hàng khách đặt theo đơn qua kênh mua sắm trực tuyến speedl.vn. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Mỗi ngày nhân viên của Lotte Mart Vũng Tàu nhận đơn hàng, trực tiếp lựa chọn, kiểm tra hàng khách đặt theo đơn qua kênh mua sắm trực tuyến speedl.vn. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Trong khi đó, theo bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại Công ty MM Mega Market, so với trước đây, rất nhiều khách hàng của MM Mega Market đã chuyển sang đặt hàng qua điện thoại. Tính tiện dụng, an toàn của việc mua hàng từ xa trong giai đoạn dịch bệnh đã chinh phục nhiều khách hàng lớn tuổi vốn quen với mua sắm truyền thống. “Hiện với đội ngũ kỹ sư nông nghiệp và nhân viên kiểm soát chất lượng làm việc trực tiếp với nông dân và nhà cung cấp đang duy trì chất lượng cao nhất cho hơn 10.000 mặt hàng thực phẩm tại MM Mega Market. Trong chuỗi kiểm soát chất lượng VSATTP mà công ty đang vận hành, khách hàng có thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trực tiếp bằng cách quét mã QR của sản phẩm trên điện thoại thông minh tại chỗ”, bà Nga thông tin thêm.

Không chỉ các DN lớn mà sàn thương mại điện tử, các cửa hàng kinh doanh rau củ, nông sản sạch cũng tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh online. Các đơn hàng được đặt qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội của cửa hàng đều được đích thân nhân viên lựa chọn và giao hàng trong vòng 2 tiếng, thậm chí ngắn hơn.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ trực tiếp sang online đối với những người sử dụng hình thức này trong nhiều năm qua và cả với những người lần đầu trải nghiệm. Thực tế cho thấy, từ giữa tháng 2 đến nay, nền tảng mua sắm trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu. “Đây là cơ hội quan trọng để các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà phân phối thực phẩm nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả về yếu tố sức khỏe và tiện lợi. Đối với các nhà bán lẻ, cần đẩy mạnh khai thác các kênh trực tuyến, chuyển đổi các dịch vụ bán hàng truyền thống sang trực tuyến và tăng tốc tích hợp đa kênh để thu hút người tiêu dùng mua sắm trong tương lai”, ông Đặng Hoàng Hải nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.