Ăn uống ngừa COVID-19 cho người bệnh phổi mạn tính

Thứ Bảy, 18/04/2020, 08:07 [GMT+7]
In bài này
.

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nguy cơ cao nhiễm COVID-19, cần ăn đủ năng lượng, tăng sức đề kháng của cơ thể.

Bệnh nhân COPD cần ăn khoảng 25-30Kcal/1kg để bổ sung năng lượng mỗi ngày, sau đó tăng dần.
Bệnh nhân COPD cần ăn khoảng 25-30Kcal/1kg để bổ sung năng lượng mỗi ngày, sau đó tăng dần.

Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không có khả năng phục hồi hoàn toàn. Sự cản trở không khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các hạt bụi hoặc khí độc hại mà trong đó khói thuốc lá đóng vai trò hàng đầu.

Suy dinh dưỡng là vấn đề phổ biến ở bệnh nhân COPD, trong đó sụt giảm khối cơ và suy giảm chức năng. Tuy nhiên các thiếu hụt về dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng tới khối cơ và chức năng mà còn ảnh hưởng xấu tới mô mỡ và khối xương, làm cho bệnh nhân có thể suy kiệt. Đồng thời, suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng tới đáp ứng miễn dịch, tăng nhiễm trùng và làm cho bệnh trở nên nặng hơn.

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19. Một chế độ phù hợp sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng để chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng.     

Hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân COPD bằng chế độ ăn cải thiện năng lượng và protein trong khẩu phần giúp phòng ngừa sụt cân, cải thiện chức năng cho người bệnh, trong đó có sức mạnh cơ hô hấp và cơ liên sườn. Dưới đây là những lời khuyên về chế độ ăn uống lành mạnh cho người COPD.

Nhu cầu về năng lượng: Nhu cầu năng lượng khoảng 25-30Kcal/1kg mỗi ngày, sau đó có thể tăng dần mức năng lượng đến 35-40Kcal. Tuy nhiên, năng lượng khẩu phần cần điều chỉnh theo cá thể, phù hợp với tình trạng bệnh lý, khả năng dung nạp chế độ ăn. Bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng cần chỉ khoảng 50% nhu cầu năng lượng. Chế độ ăn của bệnh nhân COPD cần cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và cân đối về protein, lipid trong khẩu phần. Năng lượng do glucid cung cấp khoảng 55-60% tổng năng lượng trong khẩu phần.

Nhu cầu protein: Nhu cầu protein của bệnh nhân COPD suy dinh dưỡng khoảng 1,5g/1kg mỗi ngày. Thông thường, nhu cầu protein khuyến nghị từ 1,2 đến 1,7g/1kg cân nặng, năng lượng do protein cung cấp chiếm 20% tổng năng lượng trong khẩu phần. Protein cung cấp cho người bệnh nên chọn protein có giá trị sinh học cao và cung cấp các acid amin thiết yếu. Các amino acid duy trì hoạt động chức năng của cơ thể, tham gia bảo vệ, hấp thu các chất dinh dưỡng.

Nhu cầu lipid: Năng lượng do lipid cung cấp thường ở mức 20-25% tổng nhu cầu năng lượng. Acid béo omega-3 giúp cơ thể chống viêm, hiệu quả sẽ tăng lên nếu kết hợp với omega-6. Các chất béo có tác dụng hạn chế làm tăng CO2 trong máu còn cung cấp năng lượng cao hơn. Tuy nhiên, nên bổ sung chất béo nguồn gốc từ cá, dầu thực vật, hạn chế chất béo nguồn gốc từ các loại gia cầm (gà, vịt), động vật có vú (lợn, bò), nội tạng động vật nhiều cholesterol...

Tăng cường rau quả: Các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa tốt với bệnh nhân COPD là vitamin A, C , D, E, chống viêm, chống nhiễm trùng. Canxi và magie rất quan trọng đối với bệnh nhân COPD giúp co giãn cơ. Nhu cầu canxi 1.000mg/ngày và magie 260mg/ngày.

Rau màu xanh sẫm và hoa quả màu đỏ hoặc vàng chứa nhiều vitamin A ,C, E. Rau quả giúp tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón ở bệnh nhân COPD. Nhu cầu rau xanh và hoa quả là 400g/người/ngày.

Thay đổi thức ăn và cách chế biến để dễ ăn, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ nhưng dễ nhai giúp kích thích nhu động ruột.

Chia nhỏ bữa ăn khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở. Thực phẩm nên được chế biến nhừ để dễ nhai, tránh phải gắng sức khi ăn.

Ngoài chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và hợp lý các chất dinh dưỡng cần khuyến khích, hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục.

Thực phẩm cần hạn chế: Không ăn mặn và các loại thực phẩm có nhiều muối như giò, chả, xúc xích, đồ hộp, đồ biển, đồ khô, thực phẩm muối chua... Hạn chế đồ uống nhiều ga. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.

BS. NGUYỄN VĂN TIẾN

(Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng)

;
.