Phòng chống kháng thuốc: Phải sạch từ bệnh viện

Chủ Nhật, 28/07/2019, 19:11 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 27/7, Bệnh viện Lê Lợi tổ chức hội thảo chuyên đề “Chiến lược quản lý sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả và phòng ngừa vi khuẩn kháng thuốc”. Các chuyên gia đầu ngành về kiểm soát nhiễm khuẩn và điều trị bệnh nhân kháng thuốc đã chia sẻ những khó khăn, thách thức từ vấn đề kháng thuốc kháng sinh trong các bệnh viện và đề xuất các giải pháp hiệu quả để khắc phục. 

Các bệnh viện cần kiểm soát tốt nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa vi khuẩn kháng thuốc lây lan.  Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bà Rịa.
Các bệnh viện cần kiểm soát tốt nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa vi khuẩn kháng thuốc lây lan. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bà Rịa.

NHỮNG CON SỐ BÁO ĐỘNG

Mở đầu hội thảo, PGS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP. Hồ Chí Minh nêu những con số đáng báo động về thực trạng kháng thuốc kháng sinh. Đáng chú ý nhất là có đến hơn 50% kháng sinh sử dụng trong bệnh viện không hợp lý; 94,6% ca phẫu thuật sử dụng kháng sinh sau khi mổ xong với thời gian trung bình từ 5-7 ngày (tỷ lệ dùng nhiều và kéo dài như vậy sẽ dễ gây ra kháng thuốc); tỷ lệ tử vong do nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc chiếm 40-50% số ca nhiễm khuẩn. “Nguyên nhân của tình trạng kháng thuốc kháng sinh là do việc lạm dụng kháng sinh trong các bệnh viện. Bệnh nhân không còn đáp ứng với kháng sinh đang sử dụng, buộc bác sĩ phải dùng kháng sinh thế hệ mới. Hệ quả là kháng thuốc kháng sinh tiếp tục tăng, đến một lúc nào đó sẽ không còn loại thuốc kháng sinh nào có thể chữa bệnh được”, bà Anh Thư khuyến cáo. 

Theo bà Anh Thư, để giải quyết vấn đề trên, bệnh viện cần có chương trình quản lý kháng sinh hiệu quả. Mục tiêu của chương trình là tăng cường tỷ lệ sử dụng kháng sinh hợp lý. Trong đó, việc dùng kháng sinh dự phòng (KSDP) trong phẫu thuật cần được áp dụng trước. KSDP được dùng một liều duy nhất, tiêm tĩnh mạch trong vòng 30-45 phút trước khi rạch da (áp dụng với hầu hết kháng sinh). “Qua đánh giá việc sử dụng KSDP tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, số lượng kháng sinh sử dụng trong phẫu thuật giảm rõ rệt. Theo đó, chi phí phẫu thuật giảm gần 1/2 so với việc sử dụng kháng sinh kéo dài sau phẫu thuật, đặc biệt là nhiễm khuẩn vết mổ giảm hẳn. Tuy nhiên, việc sử dụng KSDP đòi hỏi phẫu thuật trong điều kiện sạch và sạch nhiễm”, bà Anh Thư chia sẻ.

VI KHUẨN ĐA KHÁNG THUỐC CÓ MẶT Ở MỌI NƠI

Việc phòng ngừa vi khuẩn đa kháng thuốc trong bệnh viện cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm. Các chuyên gia đã chỉ ra những nơi có thể hiện diện vi khuẩn đa kháng thuốc mà chúng ta ít ngờ tới. Theo đó, không chỉ ở người bệnh mà trên da người khỏe mạnh cũng có thể hiện diện vi khuẩn đa kháng thuốc (tỷ lệ này là 25%). Hay như các vật dụng y tế cũng có tỷ lệ hiện diện vi khuẩn đa kháng thuốc cao là: bồn rửa tay (91,7%), giường bệnh (90%), dụng cụ hô hấp (hơn 80%)… Thậm chí, vi khuẩn kháng thuốc có thể lây nhiễm từ tay của nhân viên y tế. Vi khuẩn đa kháng thuốc tồn tại trên các bề mặt nói trên có thể sống nhiều ngày, thậm chí vài tháng nên nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.

Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa tình trạng này, cần khử khuẩn tất cả các bề mặt tiếp xúc của vật dụng dùng trong bệnh viện; rửa tay, khử khuẩn bàn tay đúng cách; mang đồ bảo hộ khi có nguy cơ tiếp xúc với máu, dịch tiết. Ngoài ra, bệnh nhân nhiễm khuẩn đa kháng thuốc cần được ở phòng riêng, sử dụng dụng cụ riêng và hạn chế tối đa việc di chuyển bệnh nhân. 

Tuy nhiên, một số đại biểu là bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh cho rằng, điều kiện cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng để thực hiện một số quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Chẳng hạn, phòng mổ tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa bảo đảm quy trình vô khuẩn nên lo ngại việc áp dụng KSDP có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Về vấn đề này, PGS Lê Thị Anh Thư gợi ý việc dùng KSDP nên áp dụng bắt đầu với các ca phẫu thuật sạch nhiễm như mổ bướu cổ, bướu da đầu, sỏi niệu quản, polyp túi mật, răng hàm mặt, gãy kín xương, u nang buồng trứng, u xơ tử cung… Những ca phẫu thuật dễ nhiễm khuẩn hơn như phẫu thuật thay khớp cần phòng mổ bảo đảm sạch khuẩn, có hệ thống cung cấp không khí sạch cho phòng mổ. 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu thực trạng quá tải bệnh nhân và điều kiện cơ sở vật chất không cho phép nên rất khó để thực hiện việc cách ly bệnh nhân. Bác sĩ Vũ Đình Thắng, Trưởng Khoa Săn sóc tích cực, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ: “Trong điều kiện không thể cách ly bệnh nhân đa kháng thuốc, các bệnh viện nên gắn biển cảnh báo trên giường bệnh và bệnh án của bệnh nhân. Việc này sẽ giúp cho nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân người bệnh lưu ý việc áp dụng các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn riêng khi thăm khám, chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh”.

Bài, ảnh: MINH THIÊN 

 
;
.