Người dân tích cực hiến đất làm đường

Thứ Tư, 24/04/2019, 20:25 [GMT+7]
In bài này
.

Giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Để hoàn thành tiêu chí này, ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, các địa phương đã tích cực vận động người dân hiến đất mở đường.

Ông Nguyễn Văn Thành (ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ)  trên con đường liên thôn do gia đình ông và người dân trong ấp tình nguyện hiến đất.
Ông Nguyễn Văn Thành (ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ)  trên con đường liên thôn do gia đình ông và người dân trong ấp tình nguyện hiến đất.

Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án xây dựng NTM (2016-2018), xã Phước Long Thọ đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trong đó về tiêu chí GTNT, hiện đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm, nội đồng được cứng hóa đạt 100%. Trong số gần 24.000m đường GTNT được xây dựng và nâng cấp mở rộng ở xã Phước Long Thọ, 100% đều do người dân hiến đất. Thậm chí, nhiều diện tích đất này đều đang trồng cây ăn quả, hoa màu.

Ông Nguyễn Văn Thành (ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ) cho biết, khi được chính quyền xã vận động hiến đất để nâng cấp, mở rộng đường, gia đình ông đã hiến gần 500m2 đất trồng lúa. Gia đình ông cũng tự nguyện di dời tường rào, cổng để phục vụ thi công đường đúng tiến độ. Ngoài ông Thành, các hộ dân khác trên tuyến đường cũng đã hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường 

Còn tại tổ 19, ấp An Bình (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ), đã có 40 hộ dân đã hiến đất xây dựng mở rộng 9 tuyến đường mới với tổng chiều dài 1,2km. Ông Trần Văn Bông, tổ 9, ấp An Bình cho biết, gia đình ông đã tự nguyên hiến gần 70m2 đất để làm đường. “Dù diện tích đất của gia đình có bị thu hẹp lại, nhưng từ khi mặt đường được mở rộng và nhựa hóa, việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con trong ấp thuận lợi hơn nên tôi cũng rất vui”, ông Bông nói.

Tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc), bằng nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền của chính quyền, đoàn thể địa phương, rất nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng NTM. Nhiều hộ tự phá dỡ các công trình phụ trợ, hoa màu trên đất để xây dựng các công trình phúc lợi mà không đòi hỏi đền bù. Bà Mai Thị Kim Anh, ấp 4, xã Bưng Riềng, đã gương mẫu hiến hơn 400m2 đất của gia đình để làm đường liên ấp cho biết: “Việc hiến đất làm đường GTNT đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, có sức lan tỏa trong toàn xã Bưng Riềng. Được biết, toàn xã đã có gần 50.000m2 đất được người dân tình nguyện hiến để nâng cấp các tuyến đường”.

Theo các địa phương xây dựng NTM mới, trong quá trình vận động người dân hiến đất làm đường, việc quan trọng nhất là lãnh đạo địa phương phải kiên trì, tích cực giải thích để người dân thấy được lợi ích của việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ông Dương Quang Nhàn, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng (huyện Long Điền) chia sẻ: "Khi người dân giữ vai trò chủ thể, họ cần được biết, được bàn thì mới tham gia tích cực và tự nguyện. Cách tuyên truyền, vận động phải linh hoạt, khéo léo để người dân hiểu được lợi ích".

Theo Sở NN-PTNT, nhờ việc vận động người dân tình nguyện hiến đất làm đường GTNT, quá trình triển khai xây dựng NTM gặp nhiều thuận lợi. Riêng năm 2018, tổng nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp hơn 275 tỷ đồng, đạt 8,65% so với tổng số nguồn vốn đầu tư. Đến nay toàn tỉnh có 27 xã hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM, phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 6 xã được công nhận NTM, nâng tổng số địa phương đạt chuẩn lên 33 xã.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

;
.