Tăng cường giám sát, bảo đảm an toàn khi tiêm vắc xin ComBE Five

Thứ Hai, 07/01/2019, 16:53 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày gần đây, cả nước ghi nhận nhiều trẻ em nhập viện sau khi tiêm vắc xin ComBE Five khiến phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Trước tình trạng này, ngành y tế BR-VT đã chỉ đạo các điểm tiêm chủng tăng cường tư vấn, theo dõi trẻ sau khi tiêm vắc xin nhằm phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng.

Nhân viên Trạm y tế phường 7 (TP. Vũng Tàu) tư vấn cho phụ huynh theo dõi lịch tiêm và thông tin về vắc xin.
Nhân viên Trạm y tế phường 7 (TP. Vũng Tàu) tư vấn cho phụ huynh theo dõi lịch tiêm và thông tin về vắc xin.

Chị Nguyễn Thị Anh (93 Lê Lợi, TP. Vũng Tàu) có bé thứ hai vừa được 2 tháng tuổi. Cuối tháng này, con chị sẽ được tiêm ngừa vắc xin 5 trong 1 mũi đầu tiên theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Chị cũng được biết thông tin về vắc xin ComBE Five (vắc xin 5 trong 1 mới thay thế vắc xin Quinvaxem) và những phản ứng của thuốc sau khi tiêm vẫn có thể theo dõi và phòng tránh được. Tuy nhiên, khi đọc những chia sẻ về phản ứng vắc xin gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ trên các trang mạng xã hội, chị lại lo lắng nên chần chừ chưa muốn cho con đi tiêm.

Trao đổi về vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, tại BR-VT, vắc xin ComBE Five được đưa vào chương trình TCMR từ tháng 10-2018 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. BR-VT là một trong 7 tỉnh được Bộ Y tế chọn để triển khai trên quy mô nhỏ loại vắc xin này. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được 2 đợt tiêm vắc xin ComBE Five vào ngày tiêm chủng thường xuyên của tháng 10 và tháng 12-2018 cho hơn 11.000 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trước khi tiêm vắc xin, trẻ được khám sàng lọc chặt chẽ và bác sĩ đã tư vấn cho người nhà. Sau khi tiêm, trẻ được theo dõi tại trạm y tế 30 phút và cha mẹ, người thân tiếp tục theo dõi tại nhà từ 1-2 ngày.

Theo bác sĩ Quan, bất cứ loại thuốc hay vắc xin nào cũng có một số phản ứng sau khi sử dụng. Tùy thuộc cơ địa của từng trẻ khác nhau, sẽ có những phản ứng khác nhau, trong đó không loại trừ một số trường hợp phản ứng nặng có thể xảy ra. Do đó, quy trình tiêm chủng, theo dõi, xử trí sau tiêm phải được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế. Qua 2 đợt tiêm vắc xin vừa qua, toàn tỉnh có khoảng 100 trẻ có những phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin như sốt, một vài trường hợp sốt cao, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc, chiếm tỷ lệ dưới 2%, không có trường hợp tai biến nặng sau tiêm. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (5%). 

Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra cho trẻ khi tiêm vắc xin, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về các phản ứng do tác dụng phụ thường gặp của vắc xin. Đặc biệt là cách theo dõi và xử trí khi trẻ có những phản ứng khi tiêm vắc xin, nhằm tránh những thông tin đồn đoán sai lệch về vắc xin và chương trình TCMR, không để xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục chỉ đạo thường xuyên nhắc nhở các tuyến y tế cơ sở thực hiện đúng, bảo đảm các quy định về an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm; giám sát việc thực hiện, triển khai trong những ngày tiêm vắc xin ComBE Five thay thế Quinvaxem tại các điểm tiêm chủng... 

Dự kiến cuối tháng 1-2019, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc xin ComBE Five cho trẻ trên toàn tỉnh tại các trạm y tế. Trước đợt tiêm, nhân viên y tế sẽ thông báo đến từng gia đình cụ thể về ngày giờ, địa điểm tiêm để phụ huynh biết đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ liều. “Điều lưu ý đặc biệt là văc xin ComBE Five thường gây sốt muộn cho trẻ, khoảng 2-3 giờ sau khi tiêm, do vậy, cha mẹ cần quan sát, theo dõi trẻ sau khi tiêm vắc xin này. Khi có các dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời”, bác sĩ Quan khuyến cáo.

Toàn tỉnh BR-VT hiện có khoảng hơn 81.000 trẻ thuộc đối tượng của Chương trình TCMR quốc gia. Lịch tiêm chủng sẽ được thực hiện từ ngày 25-30 hàng tháng. Lịch tiêm vắc xin  ComBE Five trong TCMR cho trẻ dưới 1 tuổi vào thời điểm trẻ đủ 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Theo Bộ Y tế, vắc xin 5 trong 1 được sử dụng trong chương trình TMCR cho trẻ dưới 1 tuổi phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vắc-xin được tiêm 3 lần vào bắp đùi của trẻ khi trẻ 8, 12 và 16 tuần tuổi. Trẻ cần tiêm ba liều để đảm bảo miễn dịch hiệu quả đối với năm loại bệnh kể trên.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.