.
TẢN VĂN

Cùng chồng vượt qua nỗi buồn thất nghiệp

Cập nhật: 14:48, 07/12/2018 (GMT+7)

Cách đây gần 2 năm, anh Tính - chồng chị Loan rầu rĩ báo cho vợ biết anh bị mất việc do công ty giảm biên chế. Anh Tính là trụ cột gia đình. Ngoài việc lo cho hai con ăn học, hang tháng anh chị còn phải lo khoản trả nợ ngân hàng do mua nhà trả góp nên khi mất đi nguồn thu nhập chính khiến anh chị rất lo lắng. 

Sau mấy ngày suy nghĩ, thấy chồng cứ loanh quanh ra vào, tụ tập bạn bè nhậu nhẹt “giải sầu”, hỏi đến là chồng khó chịu, chị Loan đã dành một buổi tối để trò chuyện với chồng. Chị đề nghị tạm thời anh giúp chị đưa rước con đi học, phụ chị việc nhà để chị tập trung vào công việc chuyên môn cuối năm, đồng thời buổi tối chị tranh thủ làm mấy món đặc sản quê như: nem nắm, bánh gối, bánh nhãn để bán qua mạng. “Anh phụ em giao hàng, coi như đỡ phải thuê người ngoài mà lại yên tâm”, chị Loan nhỏ nhẹ đề nghị chồng. Ban đầu anh Tính tỏ ý khó chịu, nhưng thấy vợ phân tích thu nhập gia đình giảm sút, chị cần sự hỗ trợ nên anh Tính đồng ý.

Gần 2 tháng sau, anh Tính xin làm kỹ thuật viên cho một doanh nghiệp kinh doanh máy tính. Thấy anh cẩn thận, chăm chỉ, nhiều người quen đưa laptop, máy tính tới nhờ anh sửa dùm. Công việc đều khiến anh Tính vui vẻ hơn. Các buổi tối anh vẫn phụ chị đi giao hàng khi cần. Gia đình anh Tính ở quê có truyền thống nấu bếp phục vụ các đám tiệc nên anh nghĩ đến việc học nghề nấu ăn. Sau 6 tháng học nghề, anh quyết định mở tiệm ăn tại nhà với những món phục vụ bữa trưa và chiều, dành cho giới nhân viên văn phòng bận rộn không kịp thời gian đi chợ nhưng vẫn muốn có bữa ăn chuẩn cơm nhà nấu. Thực đơn được anh thay đổi mỗi ngày trong tuần để mọi người lựa chọn. 

Ban đầu, khách quen là bạn bè, người thân mua ủng hộ, dần dần khách đông hơn, nhiều người khi có tiệc tân gia, thôi nôi con, tất niên… cũng đặt anh Tính nấu. Khách tín nhiệm vì anh cẩn thận, thực phẩm luôn bảo đảm tươi ngon, nấu ăn vừa miệng, giá cả lại phù hợp. Vào dịp cuối năm, anh Tính làm không hết việc. Anh đón mấy đứa cháu ở quê vào dạy nghề và trả lương. Có người phụ bếp, nhưng anh Tính luôn tự tay nấu nướng theo đơn đặt hàng để bảo đảm đúng khẩu vị của khách. 

2 năm kể từ ngày mất việc, từ một nhân viên kinh doanh, rồi kỹ thuật viên máy tính, anh Tính trở thành “đầu bếp” chính hiệu. Chị Loan sau mỗi buổi đi làm về lại phụ chồng nhặt rau, chuẩn bị nguyên liệu cho những bữa ăn khách đặt ngày hôm sau. Công việc bận rộn, nhưng chị đã thấy anh Tính vui vẻ khi được theo đuổi đam mê của mình. Không chỉ chủ động về thời gian làm việc, anh vẫn sắp xếp giúp vợ đưa rước con đi học, nấu những bữa ăn gia đình cho cả nhà để chị Loan yên tâm công tác. 

Giờ đây, anh chị cũng đã trả gần xong khoản nợ ngân hàng. Nhìn anh đeo tạp dề, cẩn thận chế biến từng món ăn, còn chị thì phụ bày biện sao cho bắt mắt trước khi giao khách, ai cũng thầm khen vợ chồng anh chị đẹp đôi. Mỗi khi có người khen, anh Tính đều bảo, điều may mắn nhất với anh là khi mất việc, chị đã ở bên hỗ trợ, động viên chồng vượt qua khó khăn về tinh thần, luôn ủng hộ chồng trong mọi hoàn cảnh, đúng như các cụ đã dạy: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.

THẢO NGUYÊN

.
.
.