Tìm lại ánh sáng cuộc đời

Thứ Sáu, 02/11/2018, 17:41 [GMT+7]
In bài này
.

Việc cai nghiện ma túy rất khó khăn và vất vả. Tuy nhiên, với sự đồng hành của cán bộ, nhân viên Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh (viết tắt là Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy) cùng sự nỗ lực của bản thân, nhiều người nghiện ma túy đã tìm lại ánh sáng của cuộc đời mình.

NỖ LỰC LÀM LẠI CUỘC ĐỜI

Trước khi vào Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) theo diện cai nghiện tự nguyện, anh Nguyễn Hữu H. (29 tuổi, ở TT.Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đã có thời gian dài nghiện ngập. Cha mẹ ly hôn, vì buồn chán chuyện gia đình nên lúc hơn 20 tuổi, nghe lời rủ rê của bè bạn, anh H. đã thử rồi dính luôn với heroin. 8 năm ròng rã sau đó, từ cậu sinh viên hiền lành, chăm chỉ, H. đã trở thành một con người hoàn toàn khác vì heroin. Để có tiền hút chích, H. vay mượn tiền người thân, bạn bè. Lúc túng quẫn, H. mang máy tính, xe máy đi cầm, thậm chí lấy trộm tiền của mẹ để mua ma túy. Rồi H. bỏ học giữa chừng… 

Các học viên Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe sau những giờ lao động, học tập.
Các học viên Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe sau những giờ lao động, học tập. 

Cách đây hơn 1 năm, anh H. tự nguyện vào Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy để điều trị với hy vọng làm lại cuộc đời. Tại đây, anh H. được điều trị cắt cơn ban đầu, cai nghiện bằng những liệu pháp khoa học. Ngoài ra, anh H. còn tham gia lao động trị liệu, học nghề sửa chữa điện gia dụng. Đến nay, anh H. đã cơ bản cai nghiện thành công. Anh H. tâm sự: “Chỉ ít ngày nữa, tôi sẽ được về cộng đồng. Tôi dự tính mở một cửa hàng sửa chữa đồ điện để có thu nhập nuôi sống bản thân và chăm sóc mẹ”.

Tương tự anh H., cánh cửa tương lai tưởng chừng đã đóng kín thì nay lại mở ra đối với anh Phạm Văn M. (43 tuổi, ở phường 10, TP.Vũng Tàu). Từng có một gia đình hạnh phúc với vợ và 2 con, anh M. chăm chỉ làm nghề buôn bán xe máy cũ, cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do chủ quan, anh đã dính vào ma túy lúc nào không hay. Từ khi nghiện ngập, việc kinh doanh bị bỏ bê, vốn liếng cũng thâm hụt dần, anh M. trở nên cáu gắt, thường đánh đập vợ con. Năm 2016, anh M. bị đưa vào Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy theo diện bắt buộc vì hành vi trộm cắp tài sản. Với sự nỗ lực của ban thân, đến nay, anh M. đã cai nghiện thành công. Trong thời gian cai nghiện, anh còn được học nghề hàn. Anh M. chia sẻ: “Với nghề hàn được học ở đây, tôi mong muốn sau khi về với gia đình sẽ mở cửa hàng, chăm chỉ làm ăn để bù đắp lại cho vợ con”.

GIÚP HỌC VIÊN HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG

Tại Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy, bên cạnh việc cai nghiện, các học viên còn được tham gia lao động trị liệu ở các tổ, đội sản xuất như: Trồng rau, chăn nuôi heo, gà, vịt; sửa chữa các công trình nội trại, điện, nước; cắt tỉa, tạo dáng cây cảnh; dọn dẹp vệ sinh khuôn viên; tham gia nấu ăn… Việc tham gia lao động trị liệu giúp học viên rèn luyện, nâng sức khỏe bản thân. 

Cùng với điều trị cai nghiện, tổ chức lao động trị liệu, Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy còn chú trọng công tác dạy nghề để học viên thành thạo ít nhất một nghề và có thể tìm việc làm ổn định sau khi trở về cộng đồng, tránh tái nghiện. Các lớp đào tạo nghề được cơ sở tổ chức đa dạng, phù hợp với sở thích, năng khiếu của học viên như: Sửa chữa điện dân dụng; hàn, tiện; điện công nghiệp; trang điểm; nấu ăn nhà hàng; đan ghế. Cơ sở trích lại cho các học viên 50% số tiền từ việc bán các sản phẩm do họ làm ra để mua sắm nhu yếu phẩm hoặc tích lũy một số vốn nho nhỏ. Từ đó giúp học viên trân trọng sức lao động, thành quả do chính mình tạo ra. 

Các học viên cai nghiện ma túy học nghề hàn do Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh tổ chức.
Các học viên cai nghiện ma túy học nghề hàn do Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh tổ chức.

Ông Phạm Minh Ân, Giám đốc Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh cho biết, với sự quyết tâm của mình cùng sự nỗ lực đồng hành của tập thể cán bộ, nhân viên Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh, nhiều học viên đã cai nghiện thành công và đã tái hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm ổn định và trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội. “Việc quyết tâm cai nghiện và nỗ lực làm lại cuộc đời, gây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn không bao giờ là muộn đối với mỗi người”, ông Ân nhấn mạnh.

Hiện nay, Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh đang quản lý hơn 850 học viên. Từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở đã tư vấn, giáo dục cho hơn 1.900 lượt học viên; tổ chức  hoạt động lao động, dạy nghề cho hơn 1.000 lượt học viên. Các học viên đã sản xuất trung bình hơn 40kg rau xanh/ngày phục vụ cho bếp ăn của cơ sở. Hơn 1.500 lượt học viên thường xuyên tham gia các hoạt động TDTT, văn hóa văn nghệ, đọc sách…

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

;
.