Trường Văn Lương: Mũi xung kích trên mặt trận văn hóa, chính trị
Ra đời năm 1955, Trường Văn Lương (nay là Trường THCS Văn Lương, huyện Long Điền) không đơn thuần là một trường học để truyền đạt kiến thức văn hóa, mà còn trở thành cái nôi cách mạng, nơi tập hợp những con người yêu nước, tập hợp được sức mạnh đoàn kết đấu tranh. Với lịch sử hào hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự kế thừa trong hiện tại, ngày 4-9-2018, Trường Văn Lương vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
NGÔI TRƯỜNG CÁCH MẠNG TRONG LÒNG ĐỊCH
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS Văn Lương. |
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cuộc đấu tranh ở miền Nam là đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định này, nhưng đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đàn áp dã man, giết hại những cán bộ kháng chiến cũ, khủng bố phong trào đấu tranh cách mạng. Trước tình hình đó, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Chợ Lớn Võ Văn Khánh đã chỉ đạo xây dựng cơ sở giáo dục cách mạng tại vùng địch chiếm đóng, làm cơ sở hợp pháp, tiến hành công tác trí vận, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các đồng chí: Nguyễn Văn Nguyên (Sáu Nguyên) tự Năm Hòa - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Đường (thầy Năm Đường), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Thành Long (thầy Tám Long), nguyên Trưởng Ty Giáo dục tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn, Bí thư Đảng Dân chủ tại Bà Rịa - Chợ Lớn được giao trực tiếp đứng ra thành lập Trường. Tháng 5-1955, Trường tư thục “Vạn Lượng học đường” thành lập (sau đổi thành Văn Lương) tại thị trấn Long Điền do nhà giáo Nguyễn Thành Long làm Hiệu trưởng.
Năm học đầu tiên 1955-1956, có 3 lớp với gần 100 HS cấp tiểu học. HS của trường phần lớn là con em gia đình cách mạng và con em đồng bào yêu nước có cảm tình với kháng chiến. Năm học 1956-1957, trường phát triển mạnh và mở thêm cơ sở 2 tại thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền. Đến năm học thứ ba, trường gồm 2 cấp tiểu học và trung học tại cơ sở 3 (ấp Bàu Tràm) là cơ sở tồn tại đến nay với đông đảo HS quy tụ, tập hợp trên 15 thầy cô giáo, trong đó một số thầy cô giáo tiêu biểu như: Thầy Nguyễn Văn Đường, thầy Nguyễn Thành Long, thầy Phạm Ngọc Chiếu, thầy Võ Văn Ấn, thầy Nguyễn Văn Lương, thầy Nguyễn Văn Huân, cô Trần Thị Bội Hoàng (cô Minh)…
MŨI XUNG KÍCH TRÊN MẶT TRẬN VĂN HÓA-CHÍNH TRỊ
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Bà Rịa, thầy và trò Trường Văn Lương đã vận dụng sáng tạo những quy định Hiệp định Giơ-ne-vơ liên tục thực hiện những cuộc đấu tranh kiên cường với các yêu sách “chống khủng bố, chống trả thù” và đòi can thiệp thả những thầy cô, HS bị giam giữ, chống đóng cửa trường. Những cuộc đấu tranh này có tác động và lan tỏa đến phong trào đấu tranh chung ở Long Điền - Bà Rịa, Biên Hòa, Sài Gòn, đã dấy lên phong trào cách mạng và phát triển mạnh trong điều kiện bấy giờ. Từ năm 1957 đến năm 1962, HS Trường Văn Lương đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh lên Quốc hội Ngụy, Tỉnh trưởng, Quận trưởng Long Điền, Ty Giáo dục, Ty Công an , Ủy ban giám sát đình chiến ở Vũng Tàu đòi thả các thầy và HS bị bắt, chống đóng cửa trường, xuống đường tẩy chay trò hề bầu cử tổng thống của Ngô Đình Diệm... Trong đó, cuộc đấu tranh của hơn 100 thầy trò Trường Văn Lương ập vào Ty Công an làm chúng phải hoảng sợ, dư luận quần chúng xôn xao. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của thầy, trò Trường Văn Lương, năm 1959, chính quyền Ngụy dán thông cáo đóng cửa trường nhưng HS vẫn đến học, thầy vẫn đến dạy và Hội phụ huynh vẫn làm việc. Địch càng khủng bố đàn áp, phong trào đấu tranh cách mạng của thầy trò Trường Văn Lương càng bùng lên.
Song song với đấu tranh chính trị, nhà trường còn sử dụng văn hóa, văn nghệ để giác ngộ lý tưởng cách mạng, làm “vũ khí” chiến đấu. Trường giới thiệu những tác phẩm có giá trị giáo dục cao cho HS và lưu hành trong nội bộ HS các cuốn sách về phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống ách áp bức của thực dân phong kiến và tay sai. Qua đó, HS Trường Văn Lương đã dần dần giác ngộ, có ý thức chính trị, sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.
Không chỉ vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, văn nghệ Trường Văn Lương đã nổi tiếng và trở thành một vũ khí đấu tranh cách mạng trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng trong thời kỳ bấy giờ. Trong buổi biểu diễn văn nghệ chiêu đãi phái đoàn quốc tế Pháp - Anh - Mỹ đến thăm tỉnh Phước Tuy, Trường đã chọn vở kịch thơ “Một thế kỷ mấy vần thơ” với nội dung tiễn đưa quân viễn chinh Pháp về nước. Vở kịch đã biến sân khấu thành tòa án lương tri tố cáo tội ác dã man và sự thất bại nhục nhã của thực dân Pháp, làm cho kẻ thù có mặt xem chương trình một phen ê chề, nhục nhã. Những bài ca, bản nhạc trong thời kháng chiến cũng được lựa chọn đưa vào các chương trình, tiết mục biểu diễn của trường trong các dịp lễ, tổng kết năm học chiếm được tình cảm quần chúng nhân dân.
Năm 1962, trước sự khủng bố, đàn áp của địch, nhà trường phải đóng cửa. Tình thế cách mạng miền Nam bước sang giai đoạn mới, GV và phần đông HS của Trường Văn Lương ra khu giải phóng, thực hiện các nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc. Thầy và trò của trường đã có mặt trên các địa bàn tỉnh Bà Rịa, miền Đông Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam.
NƠI ƯƠM MẦM NHỮNG “HẠT GIỐNG ĐỎ”
Vốn là một trường tư thục, song ngay từ những ngày đầu, Trường Văn Lương đã là ngôi trường dạy giỏi có tiếng. Năm học 1955-1956, HS thi đậu TH 100%. Kỳ thi trung học năm 1958-1959, tỷ lệ HS của trường thi đậu đứng thứ 2 toàn miền Nam, sau Trường Nguyễn Khuyến ở Sài Gòn. Từ đó, trường được Ty Giáo dục ngụy cho hưởng mọi chế độ như một trường công lập (chế độ thi cử, cấp học bổng)... Năm học cuối, tỷ lệ đậu trung học đệ nhất cấp của trường đạt 75% (cao nhất tỉnh).
Trong 7 năm (1955 - 1962) hoạt động, thầy trò Trường Văn Lương đã hoàn thành vai trò lịch sử mà Đảng giao. Trường đã đào tạo trên 400 thanh thiếu niên, hơn 200 thầy cô giáo, HS đã xếp bút nghiên ra chiến khu tham gia cách mạng, hơn 50 HS ưu tú của trường được công nhận liệt sĩ cách mạng. Số còn lại là những cán bộ kiên trung, nòng cốt không chỉ trong giai đoạn chiến tranh mà còn góp phần xứng đáng trong xây dựng quê hương từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Hoạt động đấu tranh và phát triển của Trường Văn Lương là một bản hùng ca bất diệt, thể hiện cho ý chí, tinh thần quật cường, phẩm chất anh hùng cách mạng, tiêu biểu là các thầy: Nguyễn Thành Long, Nguyễn Văn Đường, Nguyễn Văn Huân, Võ Văn Ấn... Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thầy trò Trường Văn Lương cũng luôn thể hiện rõ bản lĩnh phẩm chất anh hùng “Sống giữa lòng địch mà không run sợ, trước những đòn roi vẫn bất khuất, hiên ngang”. Trường Văn Lương là một điểm sáng và là cơ sở giáo dục duy nhất ở miền Đông Nam bộ (thời kỳ chống Mỹ) do Đảng xây dựng và lãnh đạo hoạt động, góp phần đào tạo đội ngũ "hạt giống đỏ” cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trường được mệnh danh là “Mũi xung kích trong đấu tranh chính trị ở miền Đông Nam bộ” từ sau Hiệp định Giơnevơ.
KẾ THỪA NHỮNG TRANG SỬ HÀO HÙNG
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), Huyện ủy, UBND huyện Long Đất (nay là huyện Long Điền) tiếp nhận cơ sở và đầu tư, sửa chữa, xây dựng lại cơ sở vật chất Trường Văn Lương. Năm 1993, trường tái thành lập và được đổi tên thành Trường THCS Văn Lương. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Trường Văn Lương năm xưa, Trường THCS Văn Lương luôn nêu cao tinh thần hiếu học, không ngừng cải tiến phương pháp dạy học, xây dựng trường thành khối đoàn kết “Giàu trí tuệ, nặng tình thương, vững kỷ cương, trường gương mẫu”. Trường THCS Văn Lương ngày nay luôn là lá cờ đầu của ngành giáo dục huyện Long Điền nói riêng và tỉnh BR-VT nói chung. Từ năm 1993 đến năm 2015, thầy và trò Trường Văn Lương được tặng nhiều phần thưởng: 2 Huân chương Lao động của Chủ tịch nước, 22 cờ thi đua (của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn..), 32 Bằng khen của Trung ương và tỉnh.
Ngày 4-9-2018, Trường Văn Lương vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
ĐINH VĂN AN
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
* TỰ HÀO TRƯỜNG VĂN LƯƠNG ANH HÙNG
* TRƯỜNG VĂN LƯƠNG - CÁI NÔI VĂN HÓA, CÁCH MẠNG CỦA BÀ RỊA - VŨNG TÀU
* TRƯỜNG THCS VĂN LƯƠNG (HUYỆN LONG ĐIỀN): ĐÓN NHẬN DANH HIỆU ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN
* 15 HS TRƯỜNG THCS VĂN LƯƠNG NHẬN "HỌC BỔNG NGUYỄN VĂN ĐƯỜNG"