CHUYỆN NHÀ

Hãy để con thực hiện ước mơ

Thứ Sáu, 14/09/2018, 11:21 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tuần này, Trung - cháu trai của tôi khai trương cửa hàng sửa chữa xe máy thứ hai, sau một năm cửa hàng đầu tiên đã xây dựng được thương hiệu và “làm không ngơi việc” như lời chị Oanh, mẹ Trung tâm sự. Chị bảo: Cũng may hồi đó nghe lời dì tư vấn, cho con được học ngành nghề yêu thích.

Câu chuyện quay về 4 năm trước. Lúc đó chị Oanh hớt hải gọi tôi sang nhà gấp vì “cháu dì bỏ học, đi làm chân chạy bàn rồi”. Vợ chồng chị làm việc trong ngành ngân hàng nên từ nhỏ, Trung đã được định hướng “sau này thi và học ngân hàng như ba mẹ”. Trung học giỏi, niềm tin của chị về việc “con phải học ngân hàng” càng rõ nét, dù Trung thích sửa chữa máy móc. Cái quạt điện hư, cái máy bơm không hoạt động, chiếc xe Honda của mẹ trục trặc, cháu đều chăm chú tìm cách tháo ra, sửa tới sửa lui và rất hãnh diện nếu khắc phục được. Ai hỏi, Trung cũng nói lớn lên cháu là thợ cơ khí và lần nào mẹ cháu cũng quát “ước mơ vớ vẩn”. Nhiều lần, cháu tâm sự với tôi cháu rất thích học cơ khí, để sau này cháu mở tiệm sửa ô tô hoặc xe máy. “Con không thích học ngân hàng, dì ạ. Con đã nói với mẹ con nhiều lần nhưng mẹ đều gạt đi”, Trung nói.

Trung đậu ĐH Ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh nhưng cháu lại xin mẹ đi học nghề sửa chữa ô tô-xe máy tại một trường CĐ gần nhà. Vợ chồng chị Oanh nổi giận lôi đình, không đồng ý mà buộc con phải học ĐH để “sau này có thu nhập cao, công việc sung sướng chứ không phải dầu mỡ đầy tay, lấm lem cả ngày và suốt đời chỉ làm thợ”.

Trước áp lực của gia đình, Trung đành nhập học vào ĐH Ngân hàng, nhưng vì không yêu thích, cháu bỏ ngang. Ban ngày, cháu học nghề tại một tiệm sửa xe máy, tối đến, cháu phụ bưng bê tại một quán cà phê. Vợ chồng chị chỉ biết tin khi nhà trường gửi thông báo Trung nghỉ học quá lâu. Tìm được con về, anh chị đã có buổi nói chuyện thẳng thắn với con. Nghe cháu tâm sự, tôi bảo: “Sao chị không bảo lưu kết quả tại trường ĐH và để con chọn nghề mình thích? Nếu cháu học nghề cũng bỏ ngang, thì khi đó yêu cầu cháu quay lại trường ĐH cũng chưa muộn”. Chị giận tôi một tuần, nhưng sau đó lại tìm gặp, nói rằng chị quyết định cho con thử theo đuổi ước mơ của mình. 

Tốt nghiệp CĐ nghề, Trung đã là một thợ giỏi được nhiều cơ sở mời gọi về làm việc. Cháu đi làm một năm, tích lũy kinh nghiệm thực tế và tiết kiệm tiền, mở tiệm sửa xe gắn máy. Trung cũng dạy nghề cho một số thanh niên gần nhà và trả lương theo sức làm việc. Tiệm ngày càng uy tín và đông khách. Giờ đây cháu tiếp tục mở tiệm thứ hai. Hàng tháng, cháu đều đóng góp sinh hoạt phí cho mẹ, mỗi dịp lễ, tết, cháu còn mua quà tặng ba mẹ khiến anh chị rất vui. 

“Sắp tới, Trung sẽ để tiệm cho cậu em họ quản lý để tiếp tục đi học sửa chữa ô tô, bởi nhu cầu ngày càng lớn của khách. Anh chị cũng nghĩ rồi, cứ để con sống với đam mê, tự khắc con sẽ thành công”, chị Oanh cho hay. 

Chuyện cha mẹ ép con cái phải học ngành nghề cha mẹ thích không phải là hiếm hiện nay. Khi con đề đạt nguyện vọng được học nghề đúng sở thích thì phần lớn cha mẹ luôn phản đối bằng lập luận “trứng đòi khôn hơn vịt” và tìm cách ngăn cản. Thực tế cũng đã chứng minh, nhiều người bị ép học ngành nghề theo ý muốn của gia đình mà không phải ngành nghề mình thích dẫn đến chán nản, thất vọng. Và dẫu có học xong, đi làm rồi thì họ cũng khó có thể thành người xuất sắc do không được học và làm đúng sở thích, sở trường của mình.

AN HÒA

;
.