Tự hào trường Văn Lương anh hùng
Là cựu học sinh Trường Văn Lương (huyện Long Điền), đồng chí Trần Văn Khánh nguyên Bí thư Tỉnh ủy đã có bài viết nhân dịp thầy và trò nhà trường đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Báo BR-VT xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí.
Đồng chí Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy trao học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn tại trường THCS Văn Lương (thị trấn Long Điền, huyện Long Điền). |
Tôi rất phấn khởi khi Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho thầy và trò trường Văn Lương.
Để thấy hết thành tích của Trường Văn Lương, xin trở lại bối cảnh Miền Nam Việt Nam (MNVN) những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau khi Luật 10/59 ban hành, chính quyền VNCH lê máy chém khắp miền Nam, nhà tù mọc lên nhiều hơn trường học. Bằng mọi thủ đoạn tàn bạo, chúng hòng quét sạch phong trào cách mạng ở miền Nam. Cũng trong thời gian này, tháng 9-1955, Trường Văn Lương (nay là Trường THCS Văn Lương), huyện Long Điền được Tỉnh ủy Bà Rịa thành lập, với chủ trương xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch chiếm đóng, nhằm tập hợp con em trong vùng để đào tạo thế hệ trẻ, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa, thầy trò Trường Văn Lương đã tạo nên một trường học cách mạng ngay trong vùng Mỹ Diệm kiểm soát để tạo thế công khai cho hoạt động trí thức vận và đào tạo con em gia đình cách mạng, gia đình cán bộ, chiến sĩ ta đi tập kết và con em gia đình nghèo thành đội ngũ cán bộ cốt cán cho cách mạng. Trong lúc địch biết đây là cơ sở của cách mạng, nên tìm mọi phương cách “bóp chết”, nhưng thầy và trò Trường Văn Lương đã nỗ lực, khôn khéo, năng động sáng tạo, dựa vào dân, thực hiện nghiêm phương châm gắn công khai, bán công khai và bí mật, nên bảo đảm được sự hoạt động lâu dài. Lúc bấy giờ, ở thời kỳ đầu thành lập, Trường Văn Lương mới chỉ có 2 lớp, chưa đến 100 HS, với 6 GV. Sau đó, dù bị kìm kẹp từ phía kẻ thù nhưng trường vẫn phát triển lên 9 lớp, với 500 HS và 15 GV.
Qua các giờ học sử địa, công dân giáo dục, qua kể chuyện truyền thống, qua hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, đi cắm trại, đi tham quan, lãnh đạo đấu tranh..., trường luôn tìm cách giác ngộ cách mạng cho HS và xây dựng cơ sở cách mạng ngày càng vững mạnh theo nguyên tắc “Lấy hoạt động công khai hợp pháp làm tiền đề cho hoạt động bí mật phát triển”. Trường Văn Lương lúc đó giao cho thầy Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng lo hoạt động công khai, việc lo hoạt động bí mật chủ yếu giao thầy Nguyễn Văn Đường và thầy Võ Văn Ấn. Giai đoạn 1955-1962, trường đã có hơn 200 GV và HS tham gia kháng chiến, trở thành những cán bộ cách mạng, trong đó có khoảng 50 người đã anh dũng hy sinh.
Những đóng góp của thầy và trò Trường Văn Lương trong kháng chiến thực sự là “Một mũi xung kích từ Miền Đông”, một thành tích đặc biệt xuất sắc trên mặt trận liên tục tấn công địch về chính trị. Thành quả to lớn của trường Văn Lương để lại những bài học quý giá đối với cách mạng Việt Nam, không chỉ trong kháng chiến mà còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Trước hết, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào của cách mạng, cũng phải xây dựng cho được những con người có trái tim cộng sản, luôn biết vượt qua khó khăn bằng ý chí và niềm tin sắt đá. Đồng thời, luôn biết vận dụng nội dung, phương châm, phương thức trong lãnh đạo hoạt động rất phù hợp thực tế, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và phân hóa được địch.
Thứ hai là luôn tin vào dân, dựa vào dân, tạo được nòng cốt trong dân. Muốn dân mến, dân tin, dân bảo vệ, người cán bộ phải không ngừng tu dưỡng và rèn luyện, nói đi đôi với làm.
Thứ ba, trong đấu tranh với kẻ thù, phải biết địch vận, phân hoá, cô lập, nắm người ủng hộ cách mạng trong hàng ngũ địch, thêm bạn, bớt thù.
Thứ tư, muốn cho HS học tốt, ngoài thầy cô dạy tốt; phải giáo dục động cơ học tập cho học sinh; phải hình thành tổ chức “Hiệu đoàn” hoạt động có chất lượng để phát huy vai trò tự quản cho HS; phải hình thành các tổ học tập, để học sinh giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện; phải giữ mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình qua sổ góp ý với hình thành Hội phụ huynh HS hoạt động thật tâm huyết để góp phần chăm lo cho HS và nhà trường có hiệu quả. Trường luôn quan tâm phát động phong trào thi đua học tập, rèn luyện, giúp đỡ HS nghèo hiếu học, không ngừng chăm sóc sự nghiệp khuyến học khuyến tài.
Với việc Trường Văn Lương được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, tỉnh nên tập trung tôn tạo “Nhà truyền thống Văn Lương” xứng tầm với thành tích. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm vinh danh, tri ân, khen thưởng những cá nhân tiêu biểu trong quá khứ cũng như hiện tại - những người đã làm nên lịch sử vẻ vang của Trường Văn Lương hôm nay.
TRẦN VĂN KHÁNH
* TRƯỜNG VĂN LƯƠNG: MŨI XUNG KÍCH TRÊN MẶT TRẬN VĂN HÓA, CHÍNH TRỊ
* TRƯỜNG VĂN LƯƠNG - CÁI NÔI VĂN HÓA, CÁCH MẠNG CỦA BÀ RỊA - VŨNG TÀU
* TRƯỜNG THCS VĂN LƯƠNG (HUYỆN LONG ĐIỀN): ĐÓN NHẬN DANH HIỆU ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN
* 15 HS TRƯỜNG THCS VĂN LƯƠNG NHẬN "HỌC BỔNG NGUYỄN VĂN ĐƯỜNG"