Người thầy dạy toán và niềm đam mê hội họa

Thứ Sáu, 12/04/2024, 17:01 [GMT+7]
In bài này
.

Tuổi 74, mái tóc đượm màu sương tuyết, Phạm Cao Thắng có nhiều năm trên bục giảng. Ông có 20 năm dạy toán tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP.Vũng Tàu, sau đó là Phó Giám đốc Trung tâm GDTX TP.Vũng Tàu, trước khi nghỉ hưu theo chế độ.

Thuận buồn xuôi gió. Tranh: PHẠM CAO THẮNG
Thuận buồn xuôi gió. Tranh: PHẠM CAO THẮNG

Thầy giáo già Phạm Cao Thắng luôn vui, nở nụ cười sảng khoái, mãn nguyện. Ông nhớ lại kỷ niệm đẹp của ngày ấy, một bước ngoặt cuộc đời yêu toán mà đam mê hội họa. Ông tâm tình: Nghỉ hưu, vào Hội Người cao tuổi, lệnh của cô giáo dạy địa lý Nguyễn Thị Thoa, người bạn đời vui tính:

- Anh ơi, bức tường trước cổng nhà ta bị bong tróc cả rồi, anh chịu khó mua hộp sơn về ta sơn lại cho đẹp, kịp đón lễ 30/4 mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà!

Thầy giáo dạy toán Phạm Cao Thắng không chút băn khoăn, nhiệt thành hưởng ứng theo lệnh bà, đáng yêu:

- Ừ nhỉ, em để anh tính. Vụ vẽ lại bức tường để anh lo, không đẹp không ứng tiền đi cà phê sáng nhóm giáo chức Công viên nước!

Cô giáo cười xòa, âu yếm:

- Nỡm ạ, đây không chi tiền cà phê Công viên nước đâu nhé, nghe nói các ông còn rất mê hội điểm tâm lươn Kim Huệ!

Biết bà giáo trêu đùa, ông cười tươi. Buổi chiều hôm đó, cả nhà quan sát cứ thấy ông đi ra đi vào, săm soi ngắm nghía bức tường lở lói, có lúc thấy ông lấy thước kẻ dọc, đo ngang, lấy bút tính toán ghi chép, cũng chẳng ai đoán được ý định của ông đang tính việc sơn bức tường như thế nào. Bà giáo ướm thử:

- Chỉ hộp sơn nhỏ thôi anh, pha màu thì cần 2 hộp trộn vào, còn thừa ta sơn luôn cánh cổng cho tươm tất, đẹp hết ý.

Lại thấy ông cười khì, ỡm ờ:

- Bà giáo ủng hộ tôi vẽ bức tranh thủy mặc, phong cảnh hữu tình tựa cảnh Vịnh Hạ Long thu nhỏ, chấm phá hình ảnh tôi và bà gắn bó vùng… vịnh, cả chục năm dạy học tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, trên cả tuyệt vời luôn!

Cô con gái rượu theo nghề sư phạm của bố mẹ, cũng là giáo viên toán ở Vũng Tàu, đứng cạnh vui vẻ góp chuyện:

- Hèn chi con thấy ba cứ đo lên đo xuống, tối qua còn lôi cả tập album ảnh kỷ niệm xưa và mấy hộp bút màu con vẽ thời THPT ra ngắm nghía. Con ủng hộ ba luôn, bút vẽ thì con… kính biếu ạ.

Được cô con gái rượu dạy toán bỏ phiếu ủng hộ, ông hóm hỉnh, tếu táo:

- Bà yên tâm nhé, tranh không đẹp, tôi sẽ quyét sơn thay thế và xin tự chi trả tiền mua sơn cho bà! Cả nhà cười vui sảng khoái. Vậy là ông đã vẽ bức tranh mô phỏng phong cảnh ngôi nhà người dân tộc thiểu số ở Như Xuân của thầy hiệu trưởng trường cấp 3, tọa lạc bên cạnh hồ đập thủy lợi sông Mực, như là một Vịnh Hạ Long thu nhỏ, phủ lên bức tường lở lói trước sân nhà. Người thực, việc thực, cảnh thực không trộn lẫn đâu được. Quả là thầy giáo mê toán học đã sáng tạo nên một bức tranh đẹp, sống động, ý nghĩa, nhân văn. Câu chuyện nhà giáo dạy toán nửa thế kỷ, nay về già lại đam mê vẽ tranh, bắt đầu từ đó.

Hồ “Sông Mực” (Như Xuân, Thanh Hoá) nơi tác giả có hơn chục năm đứng trên bục giảng dạy toán - bức tranh mở đầu thời kỳ “đam mê hội hoạ” của nhà giáo Phạm Cao Thắng.
Hồ “Sông Mực” (Như Xuân, Thanh Hoá) nơi tác giả có hơn chục năm đứng trên bục giảng dạy toán - bức tranh mở đầu thời kỳ “đam mê hội hoạ” của nhà giáo Phạm Cao Thắng.

Sau bức tranh mở đầu ấy, cả nhà và đồng nghiệp, bạn hữu xa gần đều ngạc nhiên bởi hoa tay… cầm cọ của cựu giáo chức họ Phạm. Nhiều bức tranh sống động lần lượt ra đời. Phạm Cao Thắng học khoa Toán, Đại học sư phạm Vinh. Ông sinh thành, lớn lên tại xã Tượng Văn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

“Đầu xuôi đuôi lọt”, sau mở đầu thành công ấy, nhà giáo Phạm Cao Thắng lần lượt trình làng nhiều bức tranh phong cảnh khác, bức nào cũng rất có hồn - hầu hết là phong cảnh quê hương, sông núi, biển cả, ruộng đồng… Huyện Nông Cống quê hương ông là vùng nam Thanh bắc Nghệ địa linh nhân kiệt, nơi có dòng sông Lãng Giang hiền hòa xuôi dòng, mỗi độ xuân về vui như trẩy hội bởi các cuộc thi đua thuyền, nhịp chèo hò sông Mã. Phạm Cao Thắng dạy toán, cô giáo Thoa - người bạn đời của ông - dạy địa lý chiêm nghiệm những cảnh đẹp quê hương đất nước nên thơ, như tranh vẽ càng thôi thúc ông cầm cọ vẽ tranh.

Phạm Cao Thắng chia sẻ: “Hội họa là một ngành nghệ thuật, con người sử dụng màu vẽ để tô lên bề mặt như giấy, vải, bức tường thể hiện các ý tưởng của mình. Kết quả của công việc đó là các tác phẩm hội họa - tranh vẽ. Hội họa có một thứ ngôn ngữ độc đáo riêng để truyền đạt ý tưởng của người nghệ sĩ bằng nét vẽ”. Để vẽ tranh điêu luyện, ông đọc nhiều sách, thuộc nhiều bài thơ hay, học hỏi kỹ năng cầm cọ từ những danh họa tên tuổi. Rạng sáng, phóng xe ra biển chờ lúc ánh bình minh hé rạng, nghĩ về những tứ vẽ của ngày mới.

Nghỉ hưu, tuổi đời vào ngưỡng 70-75, cựu nhà giáo dạy toán đã dành nhiều thời gian nghiên cứu lĩnh vực hội họa, chiêm nghiệm và học hỏi kỹ năng từ các cuộc triển lãm tranh, cầm cọ nghiêm túc, bài bản. Kỹ thuật vẽ tranh từng bước nâng cao, chất lượng tác phẩm ngày một thăng hoa. 

Nhà giáo già gương mẫu trong đời thường, đam mê hội họa. Ngôi nhà nhỏ 8/4 Lê Phụng Hiểu, khu phố 7, phường 8, TP.Vũng Tàu luôn đầy ắp tiếng cười. Tuổi cao chí càng cao! Phạm Cao Thắng yêu đời, ham học hỏi, tham gia nhiều hoạt động xã hội, sinh hoạt đều đặn - niềm vui nổ trời - từ các câu lạc bộ, hội nhóm giáo chức, người cao tuổi, hòa mình vào đời sống khu phố, tổ dân cư, sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời, hạnh phúc cùng các con cháu và mái ấm gia đình.

Niềm vui khôn tả mỗi ngày khi cả nhà cựu giáo chức Phạm Cao Thắng đều là nhà giáo, điểm tựa vun trồng, chăm chút thế hệ trẻ, những chủ nhân ông tương lai của đất nước.

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.