Ước muốn thời gian trở lại!

Thứ Sáu, 17/11/2023, 18:23 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày ấy, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, cô sinh viên Đại học Báo chí - Xuất bản Nguyễn Cúc Hương, giờ giải lao sau tiết học cứ hồn nhiên lên hội trường hát “Bài ca người giáo viên nhân dân” (Nhạc sĩ Hoàng Vân). Cúc Hương hát đắm say, du dương trầm bổng: Có những bài ca/Nghe rạo rực lòng người/Bài ca ấy loài hoa ấy/ Đẹp như em người giáo viên nhân dân… Bên ánh đèn khuya/Em đã thức bao đêm… Khi hát đến câu kết “Lớn lên trên chiếc nôi quê hương Việt Nam”, nhóm các anh hâm mộ lại hát to: “Có em đây Cúc Hương con ông Đổng Chi”, bởi Cúc Hương là con gái rượu của một nhà giáo tài ba - cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, nhà giáo, nhà nghiên cứu hàng đầu  văn học dân gian Việt Nam. Mỗi lần như thế, Cúc Hương lại chạy ra bên hông hội trường để khóc. Nay nhắc lại chuyện xưa, Nguyễn Cúc Hương lại cười khì: “Em yêu người giáo viên nhân dân mà hát đấy. Mơ đi làm giáo viên mà không thành. Mà sao vô duyên đến thế không biết?”.

Nhóm “Cà phê Giáo chức” bên biển Vũng Tàu - An vui mỗi ngày!
Nhóm “Cà phê Giáo chức” bên biển Vũng Tàu - An vui mỗi ngày!

Tháng 10 năm 1973, chúng tôi - nhà báo, nhà giáo, nhà biên tập sách ra trường tung tẩy khắp mọi miền quê trong Nam ngoài Bắc. Nguyễn Cúc Hương, chuyển vào Nam đầu quân cho Nhà Xuất bản Trẻ TP. Hồ Chí Minh. Những câu chuyện về “Bài ca người giáo viên nhân dân” lại sống động trên những trang sách mà Cúc Hương viết và biên tập. Họp mặt nửa thế kỷ ra trường, 22/10/2023, Cúc Hương mang tới lớp mấy thùng sách ảnh in ấn tại Sài Gòn, lại hát “Bài ca người giáo viên nhân dân” và tặng thầy cô và bạn bè một thuở “Ước muốn thời gian trở lại”,  một tập hợp các bài viết và 202 tấm ảnh quý. Cả lớp ngỡ ngàng, bất ngờ, sự kỳ công chuẩn bị kéo dài 4 năm ròng rã của cô nàng vẫn rất đắm say với bài ca “Người giáo viên nhân dân” như ngày nào.        

Nguyễn Cúc Hương là người con gái xinh đẹp, thông minh, hát hay - gốc Hà Tĩnh “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc”. Tôi hỏi Nguyễn Cúc Hương: “Vì sao em chọn tên sách “Ước muốn thời gian trở lại”?. Cúc Hương nhẹ nhõm: “Đơn giản thôi anh, một thời trẻ trung mà nay ta đã lên ông lên bà. Giá như thời gian quay trở lại, ta lại trẻ trung như xưa để nghe em ca “Người giáo viên nhân dân”. Và các anh lại cứ hồn nhiên “Cúc Hương con ông Đổng Chi” cho em được… tủi thân và cả sự tự hào về nghề giáo của thân phụ mà khóc thút thít vậy!

***

Ngoài kia, cuối chiều, trên sân trường, bên góc phố nhộn nhịp đàn em nhỏ tan lớp. Bên tách cà phê ngắm nhìn ông mặt trời đang trôi dần xuống biển Vũng Tàu, nhà giáo Trần Quang Vinh thốt lên: “Nhà báo ơi, nếu có ước muốn trong cuộc đời này hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại”. Tôi chột dạ: “Lão Vinh này có khi cũng biết chuyện cô Cúc Hương làm sách chăng?”. Nhà giáo Trần Quang Vinh nói ngay: “Em ước muốn được trẻ lại, đồng hồ quay ngược để mà yêu hơn nghề giáo”. Giáo Vinh thủ thỉ kể lại những kỷ niệm đẹp của quãng đời gần 40 năm làm nghề giáo nơi xứ biển. Ông ngước nhìn ngọn Bạch Dinh, khu du lịch Hồ Mây Park mà thầm thì cùng với sóng và gió: “Một nhóm học trò đã tới đây để tâm tình về ngọn núi Tao Phùng, về Bạch Dinh - một cách học lịch sử và thực tập văn chương, không gì có thể tốt hơn. Học tại chỗ, bên những thắng cảnh và di tích lịch sử hiệu quả gấp trăm lần kiểu học thuộc như cháo chảy từ sách vở, để rồi thi cử xong chữ lại trả vào túi thầy cô, đọc như vẹt mà chẳng hiểu gì?”. Tôi sực nhớ câu chuyện mà nhà gáo Trần Quang Vinh đã viết về phương pháp học môn văn, môn sử được in trên tờ chuyên san của tỉnh và trên báo Văn nghệ Trung ương.

Tôi cảm phục cách viết tản văn và truyện ngắn của nhà giáo Trần Quang Vinh in đều trên ấn phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam. Trước thềm ngày nhà giáo Viêt Nam năm 2023 là 2 truyện ngắn “Lạc giữa cõi đời” và “Chung một cõi yêu” - yêu đời, yêu nghề giáo, hơn 40 năm tình đôi lứa và chồng vợ của cặp đôi nhà giáo  Quang - Minh, trước và sau khi họ rời quê mẹ bên con  sông Ngàn Phố làm nghề giáo ở quê biển, với bao kỷ niệm để đời nơi ngoại ô thành phố. Tuổi nghỉ hưu mà nhà giáo dạy văn Trần Quang Vinh - thân phụ của nhà thơ trẻ Hoa Nip vẫn miệt mài trên cánh đồng văn chương, vẫn đau đáu trách nhiệm cách dạy và học môn văn, môn sử trong nhà trường.  

***

Thứ bảy ngày 11/11/2023, nhóm “Cà phê Giáo chức” Bà Rịa - Vũng Tàu đi trải nghiệm vui vẻ về huyện Xuyên Mộc. Nhóm “Cà phê giáo chức” tính số tròn có 15 thành viên, thầy Long dạy Toán đã vượt qua tuổi bát thập, thầy nhỏ tuổi nhất đã xấp xỉ thất thập, là  giáo viên dạy giỏi toán  và các môn  xã hội Văn, Sử, Địa… Trên xe, nhà giáo dạy  văn Chử Văn Lịch đọc thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến; thầy Lịch nói vui với thầy Long, thầy Phúc, thầy Cường: “Ôn bài cho nhớ, 17 giờ  vòng về trường THPT Vũng Tàu họp mặt với các trò niên khóa 2000 - 2003, các em đã có lời: Thầy giảng Kiều cho chúng em nghe như ngày nào! Cuộc đón tiếp của đồng nghiệp xa gần cởi mở, thân tình.

Cuộc gặp với các thầy cô cả đương chức và đã nghỉ hưu vui nổ trời. Một thầy dạy toán trong nhóm “Cà phê giáo chức” đứng dậy giới thiệu tên tuổi, chức danh thầy cô trên địa bàn huyện không sai sót, dù chỉ là chi tiết nhỏ. Nếu không yêu, không gắn bó với giáo chức huyện thì làm sao có thể thuộc bài đến như vậy?

Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn thời gian trở lại…

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.