Đặc sắc lễ hội Trùng Cửu Nhà Lớn Long Sơn

Thứ Hai, 23/10/2023, 16:08 [GMT+7]
In bài này
.

Chánh lễ lễ hội Trùng Cửu năm 2023 đã diễn ra vào sáng 23/10 (nhằm ngày 9 tháng 9 Âm lịch) tại Nhà Lớn Long Sơn (thôn 5, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu). Lễ hội thu hút 15 ngàn lượt người tham gia

Nét độc đáo của lễ hội 

Lễ hội có tên gọi Trùng Cửu vì tổ chức đúng ngày 9/9 Âm lịch hàng năm. Lễ không có hát múa, rước sắc linh đình, chỉ có người dân thành kính dâng hương tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ công ơn ông Trần (tức ông Lê Văn Mưu, 1855-1935) - người đã có công trong việc mở đất, lập làng tại xã đảo Long Sơn. Các nghi thức kỉnh, chiêm bái được tổ chức thành kính, nghiêm trang, thể hiện nét đẹp văn hóa đặc sắc của Nhà Lớn Long Sơn, TP. Vũng Tàu.

Mâm cỗ chay gồm: bánh, xôi, chè, trái cây được được chuẩn bị để dâng lên các bàn thờ kỉnh Ông Trần.
Mâm cỗ chay gồm: bánh, xôi, chè, trái cây được được chuẩn bị để dâng lên các bàn thờ kỉnh Ông Trần.

Trong sáng diễn ra chánh lễ, Ban Điều hành nhà Lớn Long Sơn dâng 69 mâm cỗ chay gồm: Bánh quy, xôi, chè, trái cây kỉnh Ông Trần. Đúng 8h30, hương chức Nhà Lớn gióng lên hồi chiêng tại bàn thờ Lầu Tiên. Tiếp đó, các hương chức vái lạy, thắp hương kỉnh Ông Trần.

Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ ông Trần, đây cũng là dịp để cầu cho đất nước thanh bình, nhân dân no ấm, an cư lạc nghiệp, không bệnh không tật, tránh được mọi tai họa... Sau nghi thức kỉnh ông Trần, Nhà Lớn mở cửa đón khách dâng hương, chiêm bái, tham quan. 

Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thưởng trực, Chủ tịch HĐND TP. Vũng Tàu thành kính thực hiện nghi thức kỉnh Ông tại lễ hội Trùng Cửu sáng 23/10.
Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thưởng trực, Chủ tịch HĐND TP. Vũng Tàu thành kính thực hiện nghi thức kỉnh Ông tại lễ hội Trùng Cửu sáng 23/10.

Dù tuổi đã cao, bà Huỳnh Thị Sâm (88 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) với trang phục áo dài đen, tóc bới gọn gàng thành kính các nghi thức kỉnh Ông. “Hàng năm tôi vẫn duy trì thói quen trở về Long Sơn để kỉnh Ông cầu được bình an, khỏe mạnh”, bà Huỳnh Thị Sâm nói.

Còn anh Đặng Hoàng Lâm (du khách từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Nhà Lớn Long Sơn và đặc biệt bị thu hút bởi lễ hội Trùng Cửu bởi nét độc đáo, mộc mạc, trang nghiêm của ngày lễ. Đến với Nhà Lớn, khách được đón tiếp nồng hậu, hướng dẫn tỉ mỉ và chiêm ngưỡng kiến trúc Nhà Lớn đặc sắc chưa từng thấy ở nơi nào khác”.

Thu hút gần 15 ngàn lượt khách 

Bà Lê Thị Kiềm, cháu đời thứ tư của Ông Trần cho biết, lễ kỉnh trong Lễ hội Trùng Cửu duy trì hơn 50 năm nay, đã trải qua bốn đời. Vào dịp lễ, Nhà Lớn Long Sơn nấu xôi, chè và loại bánh đặc biệt là bánh quy với ý nghĩa quy tụ bà con về kỉnh Ông và đãi khách thập phương. Số nếp sử dụng làm bánh, nấu xôi, chè này là của bá tánh khắp nơi gửi về. Trong đó, hàng năm bà con ở Tiền Giang thu hoạch lúa Đông Xuân xong thì gửi về kỉnh Ông. Do xưa kia, bà con ở tỉnh Tiền Giang khó khăn, Ông Nhà Lớn đã gửi biếu bà con 7.000 rạ. Nhớ ơn Ông, hàng năm đến mùa lúa Đông Xuân thu hoạch xong thì bà con ở Tiền Giang gửi về kỉnh Ông. Lễ kỉnh cũng nhằm cầu cho vạn dân bá tánh được an cư lạc nghiệp. 

Người dân tại Nhà Lớn chuẩn bị mâm cỗ kỉnh Ông Trần tại lễ hội Trùng Cửu.
Người dân tại Nhà Lớn chuẩn bị mâm cỗ kỉnh Ông Trần tại lễ hội Trùng Cửu.

Để phục vụ du khách ăn, nghỉ, trước đó cả tháng, những người làm việc trong nhà lớn Long Sơn chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh, đồ ăn chay, quét tước, dọn dẹp sạch sẽ cả 6 dãy phố. Còn mọi sinh hoạt của Nhà Lớn Long Sơn đều do những người thuộc dòng tộc Ông Trần và 10 vị kỳ lão phụ trách. Các vị kỳ lão này được tuyển lựa từ những người tin theo Ông Trần, là những người lớn tuổi, giàu kinh nghiệm (thường trên 60 tuổi), hiền đức, có uy tín, hiểu biết nhiều, nhiệt tình với công việc của Nhà Lớn...

Trong những ngày diễn ra lễ hội, các dãy nhà cổ trong khuôn viên Nhà Lớn được trang trí 500 câu liễn đỏ là những lời răn dạy làm người, châm ngôn về cuộc sống.

Sau lễ kỉnh, Nhà Lớn Long Sơn  mở cửa đón khách thỉnh lễ, chiêm bái, tham quan.
Sau lễ kỉnh, Nhà Lớn Long Sơn mở cửa đón khách thỉnh lễ, chiêm bái, tham quan.

Theo Ban điều hành Nhà Lớn Long Sơn, năm nay đón khách từ ngày 21 đến 23/10 đã có gần 15 ngàn khách về dâng hương, chiêm bái. Khách đến tham dự lễ hội được Nhà Lớn phục vụ ăn, uống, nghỉ ngơi miễn phí. 

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

 

;
.