Thư tình ngày ấy...

Thứ Sáu, 21/07/2023, 16:31 [GMT+7]
In bài này
.

Chuẩn bị đi ngủ thì chuông điện thoại reo, Cúc bật dậy. Đầu dây là giọng nói quen thuộc. Lành đây! Ngày mai Lành và ông xã có việc phải vào Bình Phước, đang tính xong việc vợ chồng sẽ ghé Cúc chơi. Thế rồi hai đứa huyên thuyên đến cả tiếng đồng hồ.

Cùng tuổi. Cùng xóm. Cúc và Lành là bạn với nhau từ thuở nhỏ. Những năm ấy, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc dữ dội. Bao thanh niên trai tráng lên đường nhập ngũ. Số còn lại vẫn bám trụ quê hương, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Cúc nhớ khi đó lớp của Cúc học ở dưới căn hầm hình chữ A. Chiếc bảng gỗ được bôi đen bằng lọ nghẹ dựng ngay cửa. Bên trong có hai dãy bàn ghế quay mặt vào nhau. Bàn được làm bằng những tấm ván kê lên cao còn ghế được làm từ thân tre, nứa. Hơn mười đứa cùng xóm cùng chung một lớp. Cô giáo khi ấy là cô Lan, người có họ hàng với Cúc. Lành xinh xắn, trắng trẻo lại có giọng hát hay nên được cô Lan giao làm quản ca.

Cúc nhớ mãi có lần trong giờ tập hát, Lành cầm cây thước đi từng bàn chỉ định từng bạn hát thử. Cúc hát sai nên bị Lành gõ mấy phát vào tay. Vậy là Cúc phản ứng rồi hai đứa cãi nhau. Chuyện đến tai cô giáo. Cuối buổi học hôm ấy Cúc và Lành được cô mời ở lại. Sau khi phân tích chuyện sai trái cô cho Lành về trước. Một lát sau thì máy bay Mỹ ập tới. Cô giáo nhìn Cúc lo lắng. Không biết Lành đã về đến nhà chưa? Để em chạy xem sao. Cúc nói và chạy đi. Cô giáo phải chạy theo và kéo Cúc trở lại rồi hai cô trò cùng nhảy xuống hầm…

Chờ ngớt bom, hai cô trò cùng dắt tay nhau chạy về. Khi ấy mới hay căn nhà mà Lành ở chung với bà ngoại và nhiều nhà khác bị bom đánh trúng. May mà Lành và bà ngoại không sao. Mấy hôm sau lớp nghỉ học. Cô giáo và các cô bác trong xóm cùng nhau dựng lại nhà cho Lành. Rồi chiến tranh tạm ngừng, khi ấy Cúc và Lành lên cấp hai và học ở trường mới.

Nhiều buổi tối, Cúc sang nhà Lành học bài rồi ngủ luôn ở đó. Bà ngoại của Lành kể chuyện chiến tranh, hai đứa nghe say sưa rồi ngủ quên lúc nào không biết. Năm lớp bảy, mấy đứa con trai cùng lớp đứa nào cũng phổng phao, nhiều đứa vỡ giọng, mặt trổ đầy hoa mụn. Mấy đứa con gái thì nhiều đứa  biết điệu đà, làm duyên. Năm ấy tự nhiên như một phong trào, nhiều đứa tập tành viết thư gửi cho nhau. Những lá thư bí mật được một đứa tình nguyện đứng ra làm cầu nối. Đó là những hộp thư di động. Lành được Duy xóm trên gửi thư và Cúc cũng được thằng bạn là Nam cùng xóm gửi thư. Nhóm chơi thân hình thành từ đó. Ngày nào Nam và Duy cũng hẹn nhau chờ Cúc và Lành đầu xóm rồi bốn đứa cùng đi học. Trên đường đi, dưới sự hướng dẫn của Lành, bốn đứa cùng khảo bài, kiểm tra bài tập cho nhau.

Các cặp đôi thư đi thư lại mấy lần thì lộ chuyện. Trong khi Cúc bối rối lo sợ bị cô giáo chủ nhiệm phê bình và không dám trả lời những lá thư bí mật của Nam nữa thì Lành bảo, bọn mình chỉ là bạn chơi thân. Mà đã là bạn thì việc gì phải sợ! Vậy nhưng không hề đơn giản như Lành nói. Cô giáo chủ nhiệm tổ chức họp. Hai nhóm nam và nữ mỗi nhóm ngồi một bên.

Cô gõ thước lên bàn và nói:

- Tôi đã biết hết rồi. Các anh các chị tưởng mình đã lớn rồi đấy. Hãy nhìn lại mình xem. Nam thì đầu bù, tóc rối. Duy thì mũi chảy quẹt ngang. Cúc, Lành thì học hành còn lơ mơ... Trong khi bố mẹ ngày ngày lao động hăng say để góp sức mình cho tiền tuyến cùng bộ đội thắng giặc Mỹ xâm lược. Ấy vậy mà các anh các chị còn không chịu học hành mà lo viết thư tình cho nhau!

Cúc cúi mặt xuống. Nam, Duy thì mặt đỏ tía tai. Khi ấy Lành mạnh dạn đứng lên:

- Thưa cô. Đó đâu phải là thư tình ạ!

- Không phải là thư tình à? Vậy  sao phải lén lút ở sau hành lang lớp. Ngoài cổng trường. Lại còn đi chung với nhau... Cô giáo quát một hồi rồi sau đó cho từng đứa viết bản kiểm điểm nộp cho cô. Mà trong bản kiểm điểm kết thúc đứa nào cũng có câu: “Em hứa từ nay về sau chăm lo học hành, giúp đỡ cha mẹ, không viết thư cho nhau nữa!”

Sau đận ấy, Cúc bị mẹ la quá trời. Thế là hai nhóm nam và nữ từ đó chấm dứt những lá thư tình qua lại. Nhưng không vì thế mà tất cả không chơi thân với nhau. Chiều chiều, tranh thủ lúc đi chăn trâu, nhặt củi, quét lá, Cúc, Lành, Duy và Nam cùng xúm xít trên đám cỏ để khảo bài và làm bài tập chung.

Thấm thoắt năm cuối cấp hai kết thúc. Lành, Cúc, Duy và các bạn cùng thi và học lên trường cấp ba của huyện. Duy chỉ có Nam là không chịu thi vào cấp ba. Năm Cúc học lớp chín thì Nam tình nguyện xin vào bộ đội.

Nam viết thư gửi cho Cúc. Lá thư đầu từ một tỉnh xa xôi phía Bắc. Trong thư Nam vẫn xưng hô bạn và mình. Nam nhắc đến những buổi học hồi cấp hai, những lần bốn đứa cùng nhau đi học. Cuối thư, Nam động viên Cúc hãy cố gắng học hành sau này đỗ đạt. Còn Nam vì gia đình, vì quê hương nên đành phải bỏ dỡ chuyện học. Sau thời gian Nam huấn luyện thì được điều động vào Miền Nam tham gia làm kinh tế mới.

Ba năm cấp ba, Cúc và Lành không học cùng lớp nhưng đi và về vẫn có nhau. Những vui buồn nhỏ nhặt hai đứa vẫn cùng tâm sự. Cúc thường đưa thư của Nam cho Lành xem. Lành hỏi, Cúc có yêu Nam không? Cúc chưa biết tình yêu là gì và tình cảm mà Nam dành cho Cúc có phải là tình yêu hay không nữa.

Thời gian quá nhanh, tuổi thơ đã qua lúc nào không hay. Lành và Cúc đã trở thành những cô thôn nữ. Lành mảnh mai xinh xắn, Cúc đậm đà với khuôn mặt tròn trịa, trắng trẻo. Hai đứa vẫn là một đôi bạn thân tình.

Lành hết học cấp ba thì ở nhà cùng ba mẹ mở cửa hàng bán tạp hóa trên khu chợ. Còn Cúc đang có dự định đi học tiếp một trường trung cấp ở một tỉnh phía Nam. Thời gian ấy, những lá thư của Nam và Cúc cũng thưa dần.

Mấy năm học xa nhà, thi thoảng những khi nhớ quê, nhớ bè bạn, Cúc vẫn mở những là thư của Nam ra đọc. Những nét chữ nắn nót đã nhòe mực ấy vẫn nhiều khi làm thổn thức trái tim thiếu nữ. Mỗi lần về quê, Cúc có hỏi mẹ về Nam, mẹ nói Nam đi bộ đội về chững chạc lắm nhưng chưa thấy yêu ai. Cúc nhớ có lần Lành bảo, Nam thương Cúc, yêu Cúc nhưng Nam không dám tiến xa hơn vì Nam và Cúc, hai người có hai ngã rẽ. Nam không thể níu Cúc ở lại quê, và Cúc thì không thể mang Nam đi theo được! Cúc không biết lý do ấy có đúng không nhưng Cúc buồn.

Cúc hỏi Lành, Duy thế nào? Lành nói, thằng ấy vẫn cứ luôn trẻ con. Lành không thích kiểu người như ấy. Mà sự thật thì đã từ lâu, Duy không chơi thân với Lành nữa. Duy hết học là theo ông chú đi làm ăn xa tận vùng Tây Nguyên, biền biệt luôn từ đó.

Số phận như trêu ngươi. Cúc ra trường không làm công việc như đã học mà lại xất bất xang bang mấy năm trời. Hết ra Bắc lại vào Nam rồi sau đó nhờ ông cậu xin cho làm nhân viên văn phòng ở công ty xây dựng. Dạo ấy, Cúc mỗi năm về quê hai lần, và cứ về là ở lại nhà Lành chơi. Bất ngờ có lần Lành hỏi, Cúc có còn yêu Nam nữa không? Cúc trả lời, Cúc và Nam có yêu nhau bao giờ đâu!

Cúc nhận lời yêu một người trong số những người đã từng đến với Cúc, là Hòa, cũng chính là chồng Cúc bây giờ. Khi con trai đầu của Cúc ba tháng thì Cúc nhận được tin từ mẹ, Lành lấy chồng. Cúc hỏi mẹ, Lành lấy ai? Mẹ bảo, lấy thằng Nam chứ còn ai!

Một chút ngỡ ngàng rồi Cúc lấy lại bình tâm khi nhớ ra, có lần Lành bảo, Nam thương Cúc, yêu Cúc nhưng Nam không dám tiến xa hơn vì hai người có hai ngã rẽ. Cũng có thể Nam chưa từng yêu Cúc. Chẳng qua, khi xa nhà, Cúc là nơi để Nam có dịp giãi bày tâm sự!

Cúc nghĩ, mỗi người có một số phận riêng. Đôi khi tình bạn không thể lớn lên để trở thành tình yêu. Cái khó hiểu nằm trong sự dễ hiểu. Chẳng qua Cúc, vì đã vô tình, không nhận ra những chân lý ấy. Lành là đứa bạn dễ tính, đôi khi bông lông ba la nói, nếu ngày xưa Nam níu Cúc ở lại quê thì làm gì có chuyện Cúc gặp Hòa, Lành gặp Nam và khi đó, chắc chắn Lành sẽ là đứa con gái chết già!

Vài ngày nữa thôi, Lành sẽ vào đây cùng Nam, sẽ có một cuộc chạm mặt thật sự. Có lẽ Cúc và Nam mỗi người sẽ có chút bối rối nhưng Cúc biết chắc chắn ai cũng có thể dễ dàng vượt qua. Còn gì hơn khi mỗi gia đình đã có một hạnh phúc riêng và tình bạn của Cúc và Lành vẫn còn vẹn nguyên như ngày ấy.

Truyện ngắn của: CHÂU HOÀI THANH

 
;
.