Trò chuyện với má

Thứ Sáu, 11/03/2022, 18:15 [GMT+7]
In bài này
.

Trò chuyện với má, nghĩ thì đơn giản. Ừ! Thời buổi này, chỉ cần nhấc điện thoại thì ngay lập tức bên kia nhận được, lại còn thấy cả hình chứ đâu chỉ nghe tiếng mà thôi. Cũng giống như hai người đang ngồi bên nhau mà nói chuyện, tiện lợi vô cùng.

Vậy mà có những lúc lâu thật lâu chẳng hề gọi điện về nhà – gọi về cho má. Công việc, bạn bè,... rồi một mớ bòng bong chung quanh làm cho tôi cớ “bận”, để “bà già” ngoài bảy mươi cứ ngồi đó mà trông.

Nhớ hồi còn nhỏ, tôi vẫn thường lẽo đẽo theo chân má hỏi chuyện đông chuyện tây, chuyện nơi này nơi khác. Như cái chuyện má theo chân ngoại chạy về vùng Đồng Tháp Mười lánh nạn giữa thời lửa đạn bom rơi. Căn nhà mái lá nằm gần nơi kênh nước, chỉ cần sơ sẩy bước hụt chân có thể rơi tỏm xuống kênh,... Chuyện ông ngoại bị địch bắt tù đày, đành gởi lại tấm thân nơi miền Tây sông nước, mãi đến sau này mới được quy tập về đây.

Hay như chuyện má đi học, phải dùng chung đôi dép cao su với ngoại. Rồi chuyện má lấy ba cũng trải qua muôn ngàn gian khổ nhưng mà cố mãi cũng xong thành vợ thành chồng.

Tôi lớn lên thì những câu chuyện của má bỗng dưng biến thành nhạt nhẽo, chán chường. Tôi muốn đến trường, muốn bước ra đường vui cùng đám bạn hơn là ngồi bên cánh võng thì thầm với má như xưa. Trò chuyện với má cứ thế dần dần thưa thớt.

Rồi cái ngày má không chờ cũng đến. Những đứa con của má trong đó có tôi cứ lần lượt rời đi. Căn nhà tưởng chừng đông đúc đó chỉ còn lại người già. Má một mình lủi thủi ra vườn, hết con gà lại luống rau, hàng đậu. Thỉnh thoảng tôi gọi về, biết chuyện lại cằn nhằn: “Má lủi thủi ngoài vườn làm gì không biết? Bệnh xuống thì mệt”. “Không lẽ cả ngày ngồi trong nhà nghe cái tivi nói chuyện?”. Tôi ôm câu nói của má vào lòng có đôi chút lừng khừng nhưng rồi cũng nhanh chóng quên.

Có lần má gọi điện cho tôi trong giờ làm việc. Tôi đáp gọn lỏn: “Con đang bận. Chiều con gọi lại”, má ừ nhẹ tênh rồi vội vàng cúp máy. Đến chiều tôi cũng quên luôn, không gọi, không nghĩ đến cảm giác của má, chờ hoài mà chả thấy hồi âm. Bởi má là người thân, má quá gần gũi nên nào để ý, dù có sai thì cũng chỉ nhắc nhẹ vài lời rồi đâu vào đó.

Trò chuyện với má, cũng đâu có gì khác ngoài dăm ba câu quen thuộc nhai đi nhai lại rất nhiều: “Má khỏe không? Ăn cơm chưa? Trời mưa hay nắng? Chân cẳng có bớt đau?,...”. Vậy nên những cuộc gọi cũng vội vội vàng vàng kết thúc, đôi khi còn chưa kịp để má nói hết câu muốn nói. Đâu như với người ngoài có muôn vàn chuyện kể, kéo dài hàng tiếng đồng hồ, đến khi chào nhau rồi vẫn còn cố thêm đôi ba lần nữa.

Nhớ bữa gần ngày 8 tháng 3, tôi cũng bắt chước người ta gọi về nhà hỏi má thích gì con gởi. Má cười: “Má già rồi, đâu còn muốn ăn ngon hay mặc đẹp gì nữa. Chỉ cần mấy đứa bình yên và siêng gọi về cho má biết chừng vậy thôi”.

Tôi hiểu nỗi lo của má, biết ước muốn của má. Tôi cũng không thể kéo má ra khỏi một nơi quen thuộc gắn bó gần như cả cuộc đời để ném vào không gian xa lạ, ồn ào, bức bối chốn thị thành. Càng lớn tuổi thì lại càng không muốn có sự thay đổi nào nữa, má muốn sống trong căn nhà cũ kỹ ở quê mà hoài niệm, bên trái là cây ổi, bên phải là cây mãng cầu mà ngày xưa mấy đứa thích ăn. Má vẫn để đó dù bây giờ có đứa nào ăn đâu.

Tôi cầm máy điện thoại lên, hít một hơi thật sâu rồi gọi, má ơi con đây…

QUỐC VIỆT

 
;
.