Người chủ gia đình

Thứ Sáu, 19/03/2021, 16:08 [GMT+7]
In bài này
.

Ngôi nhà riêng của một đôi vợ chồng dù mới cưới hay đã qua mấy mùa “phong ba bão táp”, dù mới có “tí nhau” hay đã đôi ba nhóc tì thì cũng là một mái ấm hạnh phúc cho cả một đời người. Ngôi nhà ấy dù có là biệt thự ở… Phú Mỹ Hưng hay trong hẻm sâu vừa cuốc bộ vừa hát 100 lần bản “Phố buồn” mới tới nơi trong những đêm mưa, trong cơn say xỉn tưng tưng sau chầu lai rai với bạn bè thì vẫn là nơi ta rời nơi đông đúc, náo nhiệt trở về với sự yên tĩnh cần thiết sau một ngày nhiều vất vả lo toan chuyện cơm áo.

Người đàn ông trong ngôi nhà ấy dù trong thời khắc tĩnh, hay động vẫn ngời ngời tư thế là một người trụ cột. Anh ta vẫn tự hào, vênh mặt với vợ con mình là người chủ gia đình, đã làm việc, kiếm được tiền thì không có việc gì là không làm được, hầu như trong mắt người đàn ông “trụ cột” này anh ta là nhất, không gì thay thế được.

Bỗng một hôm, chồng vợ con cái đang quây quần ăn cơm tối, không khí rất đầm ấm, hạnh phúc. Sau bữa cơm lại có phim hay trên ti vi, vợ con náo nức chờ để được xem thì… cái cầu chì cầu dao chính bị quá tải, phát nổ cái bụp, mọi bóng đèn trong nhà tắt phụp, tất cả chìm trong bóng tối. Trong lúc vợ con loay hoay tìm mấy cây đèn cầy dự trữ đốt lên cho có chút ánh sáng leo lét và hướng những ánh mắt đầy tin tưởng, hy vọng về phía “người đàn ông trụ cột” của gia đình cầu cứu thì tôi bỗng nhớ ra một chuyện rất nhỏ là từ khi làm chủ mái ấm gia đình, là chỗ dựa của ba mẹ con mà chưa hề rờ tới cái cầu dao điện, chẳng biết trong cầu dao ấy có mấy cọng dây chì, nó đứt bất tử thì phải làm sao. Tôi nhớ ngay ra ông sửa điện trong xóm và sai vợ đi kêu ông ấy tới “cứu hộ”.

Nhưng xui rủi làm sao tối hôm ấy ông thợ sửa điện lại say bí tỉ, say đến không dậy nổi thì làm sao mà đi sửa điện? Tôi cầm cây đèn pin đi tới đi lui trước cái cầu dao điện “bí hiểm” hết rọi rồi tắt, hết tắt rồi rọi kiểm tra để tìm cách sửa chữa nhưng… không dám, sợ bị điện giật mà thực chất vấn đề là tôi không biết phải làm sao. Trong lúc đó vợ con không ngớt giục giã phải tìm cách sửa cái cầu dao để có điện trở lại mà xem tivi, có quạt máy chạy vù vù để xua đuổi hơi nóng đã tràn ngập trong ngôi nhà không chỉ là “tổ ấm” mà là thực sự là một…lò bánh mì nóng như thiêu.

Vợ thì luôn miệng trách cứ tưởng ông biết mấy thứ lặt vặt này ai ngờ cứ lơ ngơ như ngỗng đực, còn hai đứa con thì nheo nhéo chê…bố dở ẹt, không bằng…ông thợ sửa điện.

Tự ái nổi lên dồn dập, tôi liền móc điện thoại bấm gọi cho một ông bạn “trụ cột gia đình” nhờ “cứu hộ”. Ông bạn hướng dẫn từ xa cách sửa chữa cấp cứu cầu dao điện. Tôi liền nhờ vợ cầm đèn pin rọi ánh sáng lên cầu dao, tay thủ cái tuột-nơ-vít, tay cầm hai cọng dây đồng mỏng manh tạm thay thế hai cọng dây chì, đẩy cầu dao lên ở vị trí ngắt điện, vặn ốc, nhét hai cọng dây đồng vào hai bên vị trí hai cọng dây chì đã bị đứt, văn ốc lại, kéo cầu dao xuống…ánh sáng chan hòa trở lại khắp ngôi nhà giữa tiếng vỗ tay của hai đứa con và nụ cười mãn nguyện của bà vợ. Hóa ra tôi cũng làm được cái việc của ông thợ sửa điện mà bấy lâu nay cứ hở một tí là phải cầu cứu ổng.

Từ hôm đó trở đi tôi trở thành “chuyên gia” sửa chữa điện nhà. Không chỉ bóng đèn hư, tăng-phô cháy, cầu chì đứt mà cả cái quạt máy đang quẹt rè rè bỗng dưng tưng tưng ngừng chạy tôi cũng tháo ra, hì hụi nối đây, sửa cho nó chạy ngon lành. Vợ tôi không khen chồng bằng những lời lẽ có cánh nữa mà mỗi lần tôi “sửa điện” xong nàng bèn nhìn tôi bằng ánh mắt tin tưởng, ban cho một nụ cười khích lệ. Ông sửa điện quen hàng xóm coi như…thất nghiệp, còn tôi ngập tràn hạnh phúc vì cảm thấy bây giờ mình mới đúng là “người đàn ông trụ cột” của gia đình sau khi làm được những chuyện lặt vặt giúp vợ… “quẵng gánh lo đi mà vui sống”.

VÕ THU SƠN

;
.