ĐỌC SÁCH:

"Từ Bến Sông Nhùng": Đăm chiêu tự hỏi, phải nó đây không?

Thứ Sáu, 01/02/2019, 09:16 [GMT+7]
In bài này
.

Xuân Kỷ Hợi - 2019, nhà báo Phạm Quốc Toàn trình làng tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” - NXB Văn hóa - Văn nghệ (ảnh).

Cổ nhân đã dạy “Văn dĩ tải đạo”, lại có câu “Văn dĩ ngôn chí”. Suốt nửa thế kỷ theo nghề báo, trải qua nhiều cương vị khác nhau, thăng trầm cùng thời cuộc, trải nghiệm về thế thái nhân tình, Phạm Quốc Toàn muốn một nhà báo, nhà văn có uy tín trong xã hội nói hết, nói kỹ về đạo đức, nhân cách làm người, đạo đức của người cầm bút. Nhà báo, nhà văn đó chính là Phan Hoàng, nhân vật trung tâm, xuyên suốt tác phẩm của anh. Anh lại cũng muốn ông Phan, nhà báo, nhà văn nói rõ, nói kỹ về ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng của một thanh niên khi bước vào nghề báo, nghiệp văn.

Chỉ cần lướt qua vài chục trang sách Từ bến sông Nhùng là ta dễ dàng nhận ra Phan Hoàng là ai. Tuy nhiên, Phạm Quốc Toàn đã không ghi tên thật. Anh dùng thể loại tiểu thuyết, bút pháp văn học, rất thực mà lại không có thật ngoài đời - để ngòi bút có một khoảng trời tự do vừa đủ để vùng vẫy, để “ngôn chí” và “tải đạo”, nhờ vậy mà nhân vật chính Phan Hoàng, nét đẹp tiềm ẩn, càng tỏa sáng hơn. 

Hai vị đồng nghiệp Phan & Phạm quả là “đồng khí tương cầu”. Có thể nói tác giả Từ bến sông Nhùng không chỉ thuộc bài  “nguyên mẫu” dùng làm nhân vật chính mà cao hơn là sự đồng điệu giữa họ với nhau. Bao niềm vui nỗi buồn về đời và nghề, bao trăn trở về nhân tình thế thái cùng những bức xúc trong làng báo, làng văn… họ đều tâm sự sẻ chia. Chính sự tri âm tri kỷ đã tạo nên sự gắn kết, sự đồng điệu giữa họ. Và điều này là chỗ dựa vững chắc để ngòi bút Phạm Quốc Toàn tự tin và có lúc đạt tới sự thăng hoa khi tái hiện một nhà báo, nhà văn ngoài đời thành nhân vật Phan Hoàng sống động và hấp dẫn. 

Khi nhìn toàn cảnh chân dung, sự kiện, tác giả có thêm một nét riêng khác là chọn “chương hồi” nhưng không theo thứ tự thời gian mà theo chủ đề, khiến cho điều mình muốn nói tập trung hơn và ngòi bút cũng sắc sảo hơn, tâm huyết và đau đáu một nỗi lòng... “Thì hiện tại” chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ thông tin. Ngoài báo in, báo nói, báo hình truyền thống là báo mạng điện tử. Đúng là “người người làm báo, nhà nhà ra báo”, bầu trời rộng mênh mông, tự do thoải mái (!). Nhà chức trách vò đầu tìm cách chặn những tin, bài và ảnh độc hại nhưng chặn đường này nó kiếm đường khác; chặn cổng nọ, nó nhờ cổng kia. Trong hoàn cảnh ấy, trả lời câu hỏi “Nhà báo, bạn là ai”, bức thiết biết chừng nào? Và việc xác định “Đạo đức người làm báo” càng bức thiết hơn. Đọc Từ bến sông Nhùng, ta thấy hai chủ đề quan trọng nói trên luôn được nhắc đến, được phân tích bằng cấu trúc “Vòng tròn đồng tâm”, lý giải đâu ra đấy, bằng nhiều chi tiết thực sinh động, lôi cuốn.

                                    *** 

Cuốn sách mở đầu bằng hai số đẹp: “chín mươi và bẩy mươi”. 90 là tuổi đời và 70 là tuổi nghề của nhân vật chính Phan Hoàng. Chàng trai sinh ra “Từ bến sông Nhùng”, lên đường tranh đấu từ khi tuổi chưa tới hai mươi, chân lội khắp mọi miền đất nước và đi nhiều nơi trên thế giới để hành nghề “báo” và “văn”, loại nghề cực nhọc, hiểm nguy cả thể xác lẫn trí tuệ, tình cảm. Tác giả họ Phạm dành cho Phan Hoàng những lời tốt đẹp. Sự nhiệt huyết, chân thành và ấm áp lan tỏa các trang sách. Phạm Quốc Toàn có điều kiện để hiểu về nhân vật gạo cội trong làng báo. Anh làm làm phóng viên nhiều năm, gánh nhiều trọng trách trong nghề truyền thông ở địa phương và Trung ương. Phạm Quốc Toàn sinh ra và lớn lên - đi kháng chiến từ  một bến sông. Đó là bến “Ba Ngàn” - Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Ngàn Trươi - đổ về bến Tam Soa như dải lụa đào, nơi đức vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương lần thứ hai, sau khi hạ chiếu lần một ở Tân Sở, gần bến sông Nhùng. Cùng với vốn sống phong phú về nghề nghiệp, kiệm lời mà quảng giao, nếp nhà, nếp quê - bến sông  của ông Phạm cũng có điểm giống ông Phan. Trong nhiều năm quen biết, sống và làm việc với ông Phan, Phạm Quốc Toàn thấy những bức xúc của mình về đời, về nghề  giống người bạn vong niên.

Trong nhiều năm quen biết, sống và làm việc với ông Phan, Phạm Quốc Toàn thấy những bức xúc của mình về đời, về nghề giống người bạn vong niên. Cuộc đời cầm bút suốt 70 năm có được thành tựu là do Phan Hoàng tự học, tự rèn để tư duy luôn đổi mới, ngòi bút luôn sáng tạo, giàu chất nhân văn. Ông chắt chiu từng bài học về nghề, nhất là bài học từ những bậc thầy. Chi tiết Bác Hồ mắng ông “Chỉ có chuyện Bác Hồ đi bộ mà sao chú nói lắm thế” là chi tiết nhớ đời, đắt giá trong nghề ký giả của  Phan Hoàng và đồng nghiệp.

Lấy nhà báo, nhà văn Phan Hoàng làm trung tâm, xuyên suốt để rồi theo thời gian, tác giả tạo ra một không gian, thời gian rộng lớn hơn cho các nhân vật khác xuất hiện. Ta gặp ở đây những nhà báo lớn, uy tín, là những bậc thầy cả về nhân cách và tài năng; gặp những nhà báo trẻ có tài mà khiêm cung học hỏi; lại thấy bóng dáng không ít nhà báo làng nhàng, nước lợ, kiếm chiếc thẻ nhà báo là để cầu danh cầu lợi… 

Từ ngày nghỉ công việc quản lý, Phạm Quốc Toàn viết nhanh và viết khỏe, đam mê đến lạ. Điều đặc biệt là, hễ có thời cơ là anh lôi những “ngụy ký giả” ra ánh sáng. Đụng đấy, đau đấy, nhưng khi cần như lời khuyên của Phan Hoàng thì cứ phải có dũng khí. 

Với vốn sống giàu, rất đa dạng về các mẫu người, Phạm Quốc Toàn đã có những trang viết sinh động về đồng nghiệp. Chuyện của anh là chuyện thật ngoài đời cho nên đọc Từ bến sông Nhùng (cũng như hơn chục cuốn sách anh đã xuất bản), ta thường phải dừng lại, ngước mắt đăm chiêu và tự hỏi: “Phải nó đây không?”; “Hình như tác giả đang vẽ chân dung ta”?… Có một điều quan trọng mà thú vị, là dù khen hay chê thì ngòi bút Phạm Quốc Toàn không bao giờ đao to búa lớn, mà nhẹ nhàng, văn hóa, rất mực thước, nhất quán, nhân văn, công bằng, xây dựng. 

Giá trị hiện thực và giá trị nhân văn của tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” chính là từ cái tâm của tác giả. 

PHẠM ĐÌNH TRỌNG

;
.