Không lơ là trước dịch COVID-19

Thứ Ba, 27/04/2021, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Làn sóng dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ ở Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Thái Lan những ngày qua đã dấy lên nỗi lo ngại về việc dịch bệnh quay trở lại và tiếp tục lan rộng trên thế giới.

Đặc biệt, tình hình dịch bệnh tại 2 nước láng giềng chung đường biên giới với Việt Nam là Lào và Campuchia là mối đe dọa thường trực với nước ta. Hàng ngày, lượng người qua lại biên giới giữa 2 nước khá nhiều, chưa kể, nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép về Việt Nam bằng đường mòn, lối mở, đường biển. Nguy cơ lây nhiễm từ các đối tượng này rất cao. Thực tế, một số trường hợp nhập cảnh trái phép đã từng được phát hiện nhiễm COVID-19 nhưng rất may, đã bị lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời. Trong khi đó, vì lợi ích cá nhân, một số đối tượng đã bất chấp sự an toàn của cộng đồng, vẫn tổ chức đường dây đưa người nhập cảnh trái phép từ các nước này vào Việt Nam, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Hàng năm trời, các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, công an, quân đội, y tế các tỉnh biên giới Tây Nam đã phải căng mình làm nhiệm vụ chốt trực ngăn chặn người nhập cảnh trái phép và tham gia công tác cách ly y tế, phòng, chống dịch. Tuy nhiên, lực lượng mỏng, trong khi đường biên giới trải dài, có nhiều đường mòn, lối mở nên dễ bị các đối tượng lợi dụng để nhập cảnh trái phép, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh vào nước ta là rất lớn.

Trong nước, tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh đã xuất hiện. Một số nơi chưa nghiêm túc thực hiện đúng các yêu cầu phòng, chống dịch. Một bộ phận người dân không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch và thực hiện theo khuyến cáo 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, trong đó các vi phạm phổ biến là không đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người…

Cuối tuần này, Việt Nam bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày. Nhu cầu đi du lịch, về quê, di chuyển giữa các địa phương của người dân trong dịp này được dự báo sẽ tăng mạnh. Các sự kiện, lễ hội tập trung đông người cũng được dự kiến tổ chức tại nhiều địa phương trong dịp này.  

Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng ở khu vực Nam Bộ. Vào các dịp lễ, tết, lượng khách đổ về Bà Rịa-Vũng Tàu thường tăng đột biến. Dịp lễ 30/4, 1/5 năm nay, tiết trời nắng nóng, lại được nghỉ dài ngày nên dự báo lượng khách về Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ rất đông. Điều này một mặt tạo cơ hội gia tăng lượng khách, doanh thu và lợi nhuận cho các DN du lịch, mặt khác cũng tạo áp lực lớn đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch đang bùng phát mạnh mẽ tại các nước trong khu vực. Bởi lẽ, khi đi du lịch, du khách thường có tâm lý muốn vui chơi thỏa thích, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch. Đây chính là thời điểm có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nhất.

Do vậy, ngay lúc này, mỗi người dân, du khách và DN cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc đeo khẩu trang và hạn chế tập trung đông người. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần tăng cường lực lượng chốt trực, tuần tra, kiểm soát thường xuyên nhắc nhở người dân, du khách chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch và kiên quyết xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm, bất hợp tác để răn đe.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, nhìn vào tình hình lây nhiễm hiện nay có thể thấy, tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Từ khi xuất hiện, virus SARS-CoV-2 đã nhiều lần biến đổi. Các biến chủng mới có đặc tính như độc lực mạnh hơn hoặc lây lan nhanh hơn. Mức độ nguy hiểm và sức tàn phá của dịch bệnh đã thể hiện tại nhiều quốc gia, gần đây nhất là tại Ấn Độ là minh chứng rõ nét.

Nếu để dịch bệnh bùng phát, nhà nước sẽ tốn kém công sức và tiền của để  chống dịch; kinh tế bị đình trệ; đời sống và thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, ngoài sự vào cuộc của chính quyền, của lực lượng chức năng, cộng đồng cần cùng chung sức bằng việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, vì sự an toàn của mỗi cá nhân và cả xã hội.

NGUYỄN ĐỨC

;
.