Sách - "Người thầy thầm lặng"

Thứ Sáu, 23/04/2021, 18:13 [GMT+7]
In bài này
.

Sân trường THCS một xã vùng xa của tỉnh như bừng sáng, sôi động hẳn lên khi xe lưu động của Thư viện tỉnh đỗ ngay tâm điểm, nơi dễ gây sự chú ý nhất.

Cả trăm em HS như những chú chim non, ríu ra ríu rít vây quanh với mong muốn được tận hưởng không gian sách của Thư viện lưu động kỳ lạ ấy. Đến cái xe cũng ngộ nghĩnh bởi những hình vẽ sinh động, sắc màu, cách bài trí sách và khu vực đọc sách cũng đặc biệt và thu hút. Quan trọng hơn, các em được chìm ngập trong cơ man nào là sách, đủ các thể loại, vô cùng hấp dẫn với các bạn nhỏ.

Tuần lễ đọc sách của BR-VT (từ ngày 15-27/4) đã có những điểm nhấn như thế. Ở nhiều địa phương, các chương trình thư viện lưu động, thư viện mở đã đem sách đến tận cộng đồng, tận tay người đọc. Trong chương trình, những cuốn sách hay, bổ ích cho từng nhóm tuổi, nghề nghiệp cũng được trao tặng, để gầy dựng, lan tỏa hơn nữa tình yêu sách, tạo thói quen đọc sách và là nền móng để văn hóa đọc sách ngày càng vững chắc.

Cách đây chưa lâu, tôi đã được tặng cuốn sách có tên “Yên” của một bác sĩ nội khoa. Cuốn sách chỉ dày chưa tới 300 trang, nhưng chứa đựng cả một kho kiến thức về y khoa, về tâm lý và cả đạo đức của bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân. “Yên” như một cẩm nang với những ai chông chênh giữa sinh – tử, được – mất mà vị bác sĩ chuyển tải đến người đọc khi kể những câu chuyện về bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư), thân nhân mà ông từng tiếp xúc, điều trị.

Chắc hẳn rằng, tác giả của cuốn sách đã dày công nghiên cứu, tích lũy từng chút một trong suốt quá trình hành nghề ở bệnh viện và trải nghiệm trong cuộc sống để chắt lọc, rồi cô đọng trong gần 300 trang sách để đem đến những kiến thức bổ ích cho người đọc.

Sách bởi vậy, có thể ví như “người thầy thầm lặng” cung cấp vô vàn kiến thức ở mọi lĩnh vực mà người đọc có thể tìm thấy. 

Những kiến thức ấy có thể là chuyên ngành phục vụ cho chuyên môn của người đọc, cũng có thể chỉ mang tính giải trí. Tuy nhiên, ngày nay, không phải ai, kể cả thanh, thiếu niên cũng có niềm đam mê với sách hoặc thời gian dành cho sách vì sự cuốn hút, bận rộn từ công việc, học hành, vì những nhu cầu giải trí khác.

Một thống kê vào năm 2020 của Hội Xuất bản Việt Nam, cho thấy, trừ sách giáo khoa, mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc 1,4 cuốn sách/năm - một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trên thế giới. Khi thói quen đọc sách vẫn còn thấp, đồng nghĩa, thị trường xuất bản sách trong nước cũng không mấy khả quan. Bằng chứng là doanh thu bán sách của Việt Nam chỉ khoảng 50.000 đồng/người/năm.

Tất nhiên rằng, con số trên chỉ mang tính tương đối, vì hiện nay có nhiều “kênh” để đọc sách, trong đó có sách điện tử, nhưng có lẽ chiếm tỷ lệ không cao. Để lan tỏa văn hóa đọc, không phải là chuyện riêng của các tác giả, nhà xuất bản mà cần xây dựng, hình thành từ nhà trường, gia đình. Theo các chuyên gia, đọc sách không chỉ là một thói quen mà còn là một công cụ để hướng tới cuộc sống ý nghĩa hơn. Những người lớn trong gia đình cũng nên có trách nhiệm giúp con em mình hình thành thói quen đọc sách ngay từ 5 tuổi, 6 tuổi.

Nhìn ra thế giới, hình mẫu gia đình Do Thái về gầy dựng thói quen đọc sách rất đáng để học hỏi. Trong mỗi gia đình Do Thái luôn luôn có 1 tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác. Tủ sách phải được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn, dễ thấy từ khi còn nằm nôi. Để sách hấp dẫn trẻ, phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý. Mặc dù chỉ có chưa đến 10 triệu dân nhưng ở Israel có tới hơn 1.000 thư viện công cộng với nhiều sách quý. Người Do Thái còn bày dạy cho con cháu mình rằng, nếu chỉ dừng ở việc đọc mà không biết ứng dụng thì trí tuệ đó cũng chỉ là trí tuệ chết. Và việc đọc sách được khuyến khích với ứng dụng đi suốt quãng đời của người Do Thái, để kích hoạt cho mọi công việc thường ngày hiệu quả hơn nhờ tri thức có được từ những “người thầy thầm lặng” là sách.

THẢO LINH

;
.