Nghe dân nói, làm dân tin

Thứ Tư, 14/10/2020, 19:44 [GMT+7]
In bài này
.

Làm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, ông Vũ Đình Trà luôn bám sát dân, lắng nghe dân rồi vận động nhân dân cùng làm. Ông thấm nhuần lý lẽ “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Với cách nghĩ này, ông cùng với Ban điều hành thôn Tân Châu vận động 79 hộ dân tự nguyện hiến 16.000m2 đất để mở rộng, nâng cấp thành công 3 tuyến đường bê tông với chiều dài 4,1km. Bản thân ông Trà cũng chặt bỏ hàng chục gốc tiêu đang cho thu hoạch để chung tay mở ra con đường thông thoáng, đi lại dễ dàng, ô tô vào tận cửa để thu mua nông sản. “Khi có chủ trương nâng cấp, mở rộng đường, đa số người dân đều rất đồng tình ủng hộ. Nhưng cũng phải mất 5, 6 cuộc họp bàn, lấy ý kiến người dân, cộng với hàng chục lần xuống từng hộ vận động mới tiến hành nâng cấp được con đường sạch đẹp như hiện giờ. Trời mưa không còn ngập úng, đường rộng thênh thang, sạch đẹp, ai ai cũng phấn khởi”, ông Vũ Đình Trà kể.

Câu chuyện của ông Vũ Đình Trà là điển hình cho cách làm của nhiều cán bộ dân vận hiện nay. “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thực hiện lời dạy này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua Dân vận khéo đã được phát động từ năm 2009 đã trở thành một trong những trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước, được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng. Nhiều mô hình mới, cách làm hay đã xuất hiện và được nhân rộng tại các địa phương, đơn vị. Đặc biệt, với phương châm: “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, các cấp ủy Đảng từng địa phương đã lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; kiên trì, khéo léo vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những người làm công tác dân vận cũng như các cấp ủy đảng và chính quyền đã tích cực cùng xắn tay áo lo việc cho dân, cùng lắng nghe nguyện vọng của nhân dân và hành động bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Công tác dân vận, vận động quần chúng đã góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; công tác giải phóng mặt bằng; giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, các hoạt động xã hội từ thiện, chương trình 4 giảm…

Trải qua hơn 90 năm, công tác dân vận luôn được đánh giá là hết sức quan trọng và xuyên suốt trong các nghị quyết, đường lối của Đảng, tạo sự đồng thuận để khơi dậy sức mạnh toàn dân. Tại BR-VT, quán triệt tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm chỉ đạo của Trung ương về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng trực thuộc triển khai thực hiện công tác dân vận gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xem đây là nhiệm vụ then chốt, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng. Nhận thức sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”, “mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống tổ chức, bộ máy làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời tham mưu cấp ủy, đề xuất chính quyền ban hành nhiều chủ trương, chính sách thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do các cấp các ngành phát động, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị tỉnh trong sạch, vững mạnh.

Trên nền tảng những kết quả đạt được, tiếp tục đổi mới công tác dân vận trong thời gian tới hướng đến hiệu quả hơn, thực chất hơn sẽ càng làm tăng thêm sự đồng thuận trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Công tác dân vận phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phải phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thực hiện thật hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để thực hiện được như vậy, trước hết cần phải xác định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận thực sự là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, phát huy sức dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NGÔ GIA

 
;
.