Uống nước nhớ nguồn

Chủ Nhật, 26/07/2020, 22:27 [GMT+7]
In bài này
.

Trong trái tim mỗi người Việt Nam luôn khắc ghi sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương - bệnh binh - những người có công với cách mạng, với đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công. Người luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta rằng bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cách đây 73 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đặt nền móng cho chính sách người có công và chỉ thị chọn ngày 27/7 hàng năm là ngày tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái đối với thương binh, gia đình liệt sĩ.

Ghi nhớ lời dạy của Người, trong 73 năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được ban hành và hoàn thiện. Cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, các nguồn lực, hình thức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ngày càng phong phú, có hiệu quả thiết thực.

Các phong trào chăm sóc người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà cho thương, bệnh binh nặng, hỗ trợ nhà ở, việc làm cho gia đình người có công được phát triển rộng khắp. Công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ được nỗ lực thực hiện, góp phần làm vơi đi nỗi đau của các gia đình liệt sĩ.

BR-VT hiện có hơn 36.000 đối tượng chính sách, người có công. Trong những năm qua, ngoài thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, BR-VT đã huy động tốt các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ đời sống cho người có công. Dù còn nhiều khó khăn nhưng BR-VT vẫn dành mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ các đối tượng người có công ở mức cao nhất, như: Tổ chức khám chữa bệnh định kỳ, cấp thẻ BHYT, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho con em gia đình chính sách, đón thương binh về an dưỡng tại gia đình, đưa đối tượng chính sách đi tham quan, nghỉ dưỡng... Công tác chăm lo người có công còn nhận được sự ủng hộ của đông đảo các từng lớp nhân dân, tổ chức xã hội, DN. Từ đó, tạo thêm nguồn lực để chăm lo tốt hơn đời sống người có công trên địa bàn tỉnh. Tính từ năm 1996 tới nay đã có gần 2.000 ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng, gần 4.000 căn nhà được sửa chữa với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Hàng năm có gần 3.000 người được tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình; hàng ngàn người được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh cơ bản 100% gia đình chính sách, người có công đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tấm gương tiêu biểu của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Có thể nói, công tác chăm sóc người có công đã trở thành việc làm thường xuyên, có ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ đi trước. Những việc làm ấy đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” với những người đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống ấy được hun đúc suốt chiều dài lịch sử, qua nhiều thế hệ.

NGÔ GIA

;
.