"Bình luận" có trách nhiệm

Thứ Sáu, 10/07/2020, 20:38 [GMT+7]
In bài này
.

Những người đọc báo hàng ngày qua ứng dụng BM được cài đặt trên smartphone thường bắt gặp những bình luận xấu xí (comment) do “độc giả” tải lên. Các chuyên gia truyền thông gọi những kẻ lợi dụng việc tương tác bằng comment trên các diễn đàn mở để “dội” những lời lẽ dung tục, ác ý, khiếm nhã lên một chủ đề nào đó là những “internet hooligan” (lưu manh trên mạng).

Hứng nhiều “bình luận bẩn” nhất có lẽ là chuyện hậu trường của những cặp đôi so le và những chuyện thị phi. Chuyện tình vợ Việt 65 tuổi kết hôn trai trẻ ngoại quốc 24 tuổi là một ví dụ. Vô số những những bình luận nghiệt ngã, tàn nhẫn liên tiếp “ném” vào cập đôi này khiến họ suy sụp tinh thần, có lúc tính tới chuyện đường ai nấy đi.

Trên các diễn đàn, trang mạng hiện nay, mỗi ngày xuất hiện vô số những “bình luận bẩn” như thế. Không ít trong số đó là những bình luận ác ý, có chủ đích nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống các cá nhân, tổ chức, thương hiệu; thể hiện bằng những lời lẽ thô lỗ, dung tục, thiếu văn hoá.

“Bình luận bẩn” sỡ dĩ xuất hiện thoải mái là do ban quản trị các trang mạng, diễn đàn online, trang tin điện tử không có bộ phận chuyên trách để quản lý, biên tập, duyệt đăng bình luận của người đọc. Tất cả những “comment” của độc giả gửi tới, hay dở, tốt xấu thế nào đều được đưa lên nguyên xi, không hề được cắt gọt, biên tập, sửa chữa.

“Bình luận bẩn” khó có thể xuất hiện trên các báo điện tử chính thống bởi các cơ quan này quản lý khâu comment rất chặt. Tất cả ý kiến của độc giả gửi tới đều được xử lý nghiêm túc nhằm bảo đảm xuất hiện trên mặt báo những bình luận “sạch”.

Không có comment (cũng như không có like và share ) thì không có sức mạnh của mạng xã hội. Nhưng nếu comment không đúng cách, thiếu trách nhiệm, sẽ khiến mạng xã hội thành một nơi bát nháo, muốn phát ngôn gì cũng được.

Bình luận có văn hoá là phẩm chất cần có của một cư dân mạng, một độc giả. Đọc một bình luận, người ta biết được tác giả có văn hoá và nhân cách hay không. Vì vậy, hãy “comment” với ý thức công dân, không đưa ra những bình luận mang tính phiến diện, cực đoan, bôi nhọ, xức phạm người khác. Cần thận trọng, tỉnh táo khi gõ bàn phím bởi mỗi dòng bình luận có tính “sát thương” rất cao, có thể gây ra những hậu quả tai hại cho các cá nhân, tổ chức… Tự do ngôn luận là một quyền hiến định, nhưng hoàn toàn không có nghĩa một cá nhân muốn viết gì cũng được, “bình loạn” như thế nào thì tuỳ thích. Các bình luận không được vượt ra ngoài những giá trị đạo đức của cộng đồng, không được vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp. Đã đến lúc phải loại bỏ những comment dung tục, vi phạm pháp luật trên các trang mạng, diễn đàn và trên fanpage của các báo. Ban biên tập các báo điện tử, quản trị các trang mạng phải có trách nhiệm về các “comment” khi đăng chúng trên trang báo của mình. Các toà soạn phải biên tập và duyệt kỹ các ý kiến của độc giả gửi tới nhằm bảo đảm xuất hiện trên mặt báo các bình luận có trách nhiệm, giàu thông tin, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, quy định pháp luật và tôn chỉ của tờ báo.

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam bị xếp vào nhóm 5 nước có cách ứng xử trên mạng xã hội kém văn minh nhất. Những ứng xử không mấy đẹp đẽ của cộng đồng mạng kém văn minh Việt Nam từ lâu đã được biết đến qua nhiều cách khác nhau, trong đó có hành vi bình luận tuỳ tiện, bừa bãi trên bất kỳ nền tảng nào cho phép bình luận.

Bình luận có trách nhiệm. Thông điệp ấy cần phải được người dùng mạng xã hội tuân thủ nghiêm túc. Cũng cần nhắc lại rằng bình luận bừa bãi trên mạng xã hội, với những lời mạt sát, chửi bới, lăng nhục, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bình luận có trách nhiệm chính là góp phần đưa những điều tốt đẹp được lan tỏa, đồng thời ngăn chặn cái xấu, cái ác lan truyền.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.