Chủ động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thứ Hai, 25/11/2019, 19:13 [GMT+7]
In bài này
.

Sự vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, công tác cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta đã và đang diễn ra mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm nâng cao năng lực phục vụ DN và người dân của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng. Cùng với việc triển khai thực hiện sâu rộng Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và xây dựng cộng đồng DN Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nhờ đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng đã được cải thiện đáng kể. Số DN và lượng vốn đăng ký hoạt động của các DN tăng nhanh, số DN tạm ngừng hoạt động hay giải thể cũng giảm mạnh. Tính đến hết tháng 10/2019, cả nước có hơn 130.000 DN mới được thành lập. Đặc biệt, hàng loạt giấy phép con đã được bãi bỏ, các thủ tục hành chính về thuế và hải quan đã được cắt giảm, hiện có tới hơn 95% DN nộp thuế, khai thuế điện tử. Theo ghi nhận của cộng đồng DN, việc triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách về hỗ trợ và phát triển DN thực sự mang lại “luồng gió mới” trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ những giải pháp rất cụ thể, như: Kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra; giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho các DN theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì thông báo một lần bằng văn bản… nên các DN, các nhà đầu tư gặp nhiều thuận lợi hơn, đỡ tốn thời gian, công sức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Mặc dù, môi trường đầu tư, kinh doanh đã dần được cải thiện, nhưng theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI thực hiện cho thấy, vẫn còn gần 60% DN phải trả chi phí không chính thức, trong đó có không ít DN đã phải trả tới hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức. Mặt khác, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, hay thủ tục kiểm tra chuyên ngành, dù các bộ, ngành đã quyết liệt thực hiện, song vẫn không đạt chỉ tiêu như thời hạn quy định.

Nhằm nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, các địa phương cần chủ động cải thiện các mặt còn hạn chế, yếu kém; đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và cải thiện thứ bậc PCI hàng năm. Cụ thể cần tập trung vào 5 giải pháp trọng tâm sau: Xây dựng chính quyền điện tử và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi để các DN, các nhà đầu tư và người dân được sử dụng hiệu quả các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng “Môi trường đầu tư 4.0” phù hợp với nhu cầu của DN trong thời đại công nghệ số bằng những giải pháp trực tuyến thuận tiện cho người dân và DN. Xây dựng chương trình đào tạo nhân lực lao động dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu của thị trường lao động và tham vấn các DN; bên cạnh việc gắn kỹ năng nghề nghiệp với nhu cầu của thị trường là các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học và khả năng học hỏi trong môi trường làm việc. Nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thông qua tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong toàn bộ nền kinh tế. Tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của người lao động, thông qua việc cải cách, đổi mới chương trình và phương thức dạy nghề. Thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ dựa trên hiệu quả hoạt động của DN thay vì các ưu đãi hỗ trợ theo lĩnh vực, địa bàn, hay quy mô vốn, quy mô lao động.

Phát biểu tại phiên giải trình và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính công vụ, khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế… Yêu cầu mọi cấp, mọi ngành, các cơ quan chức năng hoạt động với phương châm phục vụ, kiến tạo, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng nhập lậu qua biên giới, hàng giả, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

 HOÀNG LÊ

;
.