Hãy như là một thói quen

Thứ Hai, 10/06/2019, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Mẹ tôi, sau hơn chục năm chuyển từ miền Trung vào sinh sống ở BR-VT vẫn giữ nguyên một thói quen, đó là mỗi sáng đều xách giỏ đi chợ. Chiếc giỏ được ông ngoại đan bằng thân cây mây. Thỉnh thoảng tôi trộm nghĩ, hay là vì mẹ nhớ ông nên cứ dùng hoài cái giỏ ấy. Nhưng hóa ra không phải, hỏi mẹ mới biết, cũng nhiều lần bà đi chợ quên không mang giỏ, xách bao nhiêu là túi ni lông, về vứt ra góc vườn mấy năm sau vẫn không hề bị phân hủy. Ô nhiễm là ở đó chứ đâu, mẹ tôi bảo vậy. Bây giờ, mẹ tôi già rồi, nhưng thỉnh thoảng bà vẫn nhờ họ hàng ở quê gửi cây mây vào, cặm cụi đan tặng hàng xóm. Dần dà, xóm quê mới nơi mẹ tôi ở, các bà, các mẹ cũng học theo nhau, xách giỏ đi chợ, trở thành một thói quen khó bỏ. Mỗi lần gặp các bà, các mẹ đi chợ, tôi lại như được trở về những ngày xưa, tự nhiên cũng thấy vui hơn.

Vài năm trở lại đây, những câu chuyện “sống xanh” đang được lan tỏa ngày càng nhiều hơn. Đó là câu chuyện của 3 chị em Thảo, Trang và Linh với tạp hóa Gói Ghém, may những chiếc túi vải, túi lưới để giúp những bà nội trợ đi chợ thay thế túi ni lông. Chỉ trong 10 tháng, đã có 4.500 chiếc túi vải, túi lưới bán ra, và sản phẩm này đang được người tiêu dùng biết đến và đăng ký sử dụng nhiều hơn. Hay câu chuyện của những bạn trẻ khác bền bỉ với lối sống xanh, tuyệt đối không dùng ống hút nhựa và các sản phẩm nhựa chỉ dùng một lần như Thảo Chi - chủ nhân của trang fanpage “Waste it not” (không rác thải) với hơn 7.600 lượt người theo dõi. Những DN, siêu thị, cửa hàng… thực hiện việc cung cấp thực phẩm tươi trong lá chuối, túi giấy từ nhiều năm nay. Những gian hàng Organic bao gồm các sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc thực vật và động vật được trồng hoặc sản xuất từ các nông trại mà không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, chú trọng việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo và bảo tồn nguồn đất và nước, thân thiện với môi trường đã xuất hiện nhiều hơn, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để những việc làm này trở thành một thói quen sống, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, không chỉ từ phía DN hay một vài cá nhân.

Mỗi ngày, trên báo chí, truyền hình, những con số về thực trạng rác thải nhựa, ai nghe qua cũng có thể giật mình. Theo đại diện FAO, ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm. Trong khi đó, số liệu thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng cho thấy, 10 năm qua, số kg nhựa tiêu thụ trên đầu người đã tăng nhanh. Nếu như năm 2010, trung bình mỗi người tiêu thụ 33kg nhựa, con số cứ thế tăng dần, đến 2018 là 44,5kg. Dự báo năm 2019-2020, con số này sẽ là 45kg. Khi số kg nhựa tiêu thụ tăng lên đồng nghĩa với việc rác thải nhựa được xả ra ngày càng nhiều hơn. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra có thể phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Các loại nhựa sử dụng một lần phổ biến nhất được tìm thấy trong môi trường là nắp, chai nhựa, giấy gói thực phẩm, túi ni lông, ống hút… Tỷ lệ nghịch với tiêu thụ nhựa và xả thải rác nhựa tăng là chính sách quản lý chất thải, việc xây dựng cơ sở tái chế và các chính sách có liên quan lại không đáp ứng kịp cho nhu cầu nói trên.

Mới đây, phát biểu tại lễ ra quân chống rác thải nhựa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu và kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa. UBND tỉnh BR-VT cũng đã ban hành kế hoạch triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” trên toàn tỉnh, trong đó kêu gọi các tổ chức đoàn thể, cơ quan, ban ngành, DN và người dân cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa vì sự phát triển bền vững.

Ngay lúc này, mỗi cá nhân hãy hành động nhiều hơn để hạn chế rác thải nhựa. Đó là tham gia tích cực vào phong trào “Chống rác thải nhựa”, trở thành một thói quen sống hàng ngày, tuyệt đối nói “không” với túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.

NGÔ GIA

;
.