Tăng cường các giải pháp đột phá hậu trả lời chất vấn

Chủ Nhật, 09/06/2019, 18:04 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 2,5 ngày thực hiện các phiên chất vấn, đã có 230 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận với 4 tư lệnh ngành: Công an, Xây dựng, GT-VT và VHTTDL. Các phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm. Các thành viên Chính phủ đã không né tránh những vấn đề khó, phức tạp và đã giải trình, làm rõ thêm những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã nêu. Đồng thời, 4 tư lệnh ngành cũng đã nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại và những mặt còn hạn chế của ngành trong lĩnh vực phụ trách. Bên cạnh đó, cũng đã đưa ra những cam kết khắc phục nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực sau chất vấn và trả lời chất vấn.

Qua các phiên chất vấn, điều mà các cử tri nhận thấy là các câu hỏi chất vấn và các nội dung tranh luận của các đại biểu Quốc hội với các vị Bộ trưởng đều là những vấn đề “nóng” đang được người dân cả nước quan tâm. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội tiếp tục áp dụng những cải tiến đã được thực hiện tại các kỳ họp trước. Đó là các vị tư lệnh ngành không trình bày báo cáo mà chỉ phát biểu trong thời gian không quá 5 phút, tập trung vào các nội dung chính và các nhóm vấn đề bức xúc của cử tri; mỗi lần chất vấn có 5 đại biểu, mỗi đại biểu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để trả lời trực tiếp nội dung của mỗi đại biểu chất vấn. Qua theo dõi truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn, tranh luận của các đại biểu Quốc hội và trả lời trực tiếp của các thành viên Chính phủ, đông đảo cử tri nhận thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới theo hướng chất lượng, trí tuệ, thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân.

Phần trả lời chất vấn của 4 bộ trưởng đã bao quát và đi thẳng vào vấn đề, nắm bắt được thực trạng lĩnh vực quản lý, làm rõ hầu hết các vấn đề, các nội dung mà đại biểu Quốc hội chất vấn. Mặt khác, các tư lệnh ngành cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những hạn chế của ngành thời gian qua, kể cả những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý.

Những nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV phản ánh thực tế nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, song song với những điểm nóng mới phát sinh, còn có nhiều nội dung không mới và có cả những vấn đề đã diễn ra nhiều năm nay. Trong đó có cả những nội dung, những vấn đề đã được Quốc hội chất vấn, giám sát, nhưng sự chuyển biến vẫn còn chậm, gây bức xúc trong dư luận. 

Theo quy định của Hiến pháp, chất vấn là hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cử tri cả nước, có quyền chất vấn các thành viên Chính phủ và các thành viên khác trong bộ máy Nhà nước, để làm rõ những vấn đề cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Nhiều ý kiến chất vấn, tranh luận tại các kỳ họp của Quốc hội đã được các vị Bộ trưởng giải đáp, trả lời thẳng thắn trên tinh thần xây dựng với ý thức trách nhiệm cao và đưa ra những cam kết thực hiện trong thời gian tới.

Vấn đề quan trọng và cần thiết hậu trả lời chất vấn là cơ chế thực hiện và chế tài bảo đảm để những người có trách nhiệm, để các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt, có hiệu quả các nội dung, các vấn đề đã được giải trình và những cam kết sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước mong muốn các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, các kiến nghị của cử tri để triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhằm khắc phục những bất cập, những hạn chế hậu trả lời chất vấn vẫn còn tồn tại trong thời gian qua, các bộ, ngành, các địa phương cần tăng cường các giải pháp đột phá  trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

HOÀNG LÊ

;
.