Tôn trọng vị thế đồng tiền

Thứ Tư, 23/01/2019, 17:00 [GMT+7]
In bài này
.

Thông tin từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm nay, NHNN sẽ tiếp tục không phát hành tiền lẻ mới mệnh giá dưới 10.000 đồng (500, 1.000, 2.000, 5.000). Với chủ trương không đưa tiền lẻ mới in ra lưu thông trong dịp Tết này, ước tính sẽ giúp ngân sách Nhà nước tiết kiệm khoảng 390 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 năm (từ 2013) thực hiện chủ trương không đưa tiền lẻ mới in ra lưu thông, tổng số tiền tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước khoảng 2.590 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tiền lẻ của người dân tăng cao vào mỗi dịp Tết, NHNN bảo đảm các loại tiền lẻ mệnh giá nhỏ vẫn được cung ứng đầy đủ qua hệ thống các ngân hàng thương mại, nhưng là tiền đã qua lưu thông.

Mặc dù NHNN đưa ra thông điệp không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ, nhưng thử lướt qua các trang mạng như Facebook, Zalo… sẽ thấy nhiều lời chào mời đổi tiền lẻ mới dễ dàng, giao hàng tận nơi, nhưng phải chịu phí, cụ thể: Đổi 100 tờ 500 đồng, người đổi phải trả phí 200 ngàn đồng. Với tiền mệnh giá 1.000 đồng, người đổi 1 triệu đồng tiền cũ sẽ chỉ nhận được 600 ngàn đồng tiền mới. Với tiền mệnh giá 2.000, 5.000 đồng, đổi 1 triệu đồng chỉ nhận lại 700 - 800 ngàn đồng. Đổi các loại tiền mệnh giá 10.000, 20.000, 50.000 đồng thì mức phí thấp hơn tùy theo mệnh giá và số lượng tiền cần đổi.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhiều người du Xuân vãng cảnh thường sử dụng tiền lẻ mệnh giá nhỏ để làm lễ vật cúng bái ở các đền, miếu, chùa chiền… Việc này đã trở thành thói quen phổ biến ở nhiều địa phương. Nhu cầu sử dụng tiền lẻ để cúng bái đã làm phát sinh dịch vụ đổi tiền có thu phí trên thị trường. Hiện tại, còn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhưng dịch vụ đổi tiền lẻ trước đó đã được rao khắp các trang mạng xã hội, mặc dù hành vi này bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật về quản lý tiền tệ.

Đi lễ chùa cúng bái đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của đa số người dân Việt. Ngày đầu Xuân, thắp nén tâm nhang cùng với dĩa trái cây, bông hoa dâng lên trời phật, thần linh với lời cầu ước may mắn, hạnh phúc viên mãn cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội là điều tốt đẹp, nên làm. Nhưng nhiều người còn dùng tiền lẻ cho vào mâm lễ để cúng, hoặc đặt tại các bàn thờ, nhét tiền vào tay hoặc để dưới chân tượng thần, thậm chí bỏ tiền vào những lọ cắm nhang dưới gốc cây rải khắp trong khuôn viên đền, chùa, miếu mạo trông rất phản cảm. Hành động này chẳng khác gì người ta dùng tiền để làm vật “trao đổi” với trời phật, thần thánh nhằm được ban phúc - lộc, mất đi sắc thái tâm linh của việc cúng bái, vãng cảnh chùa vào mỗi dịp Tết.

Đồng tiền không chỉ là vật trung gian thanh toán trong các giao dịch trao đổi, mà còn thể hiện chủ quyền, vị thế, uy tín của một Quốc gia. Trên các loại mệnh giá tiền hiện nay của nước ta đều có in hình lãnh tụ Hồ Chí Minh - nhân vật kiệt xuất được nhân dân Việt Nam kính trọng và thế giới ngưỡng mộ, nên đã làm tăng thêm giá trị tinh thần của đồng tiền. Do đó, việc dùng tiền để cúng bái là hành vi sử dụng tiền sai chức năng thanh toán của tiền tệ. Vì vậy, mọi người cần nhận thức rõ hơn chân giá trị của đồng tiền, sử dụng tiền đúng cách, hợp lý, tiết kiệm, thể hiện sự tôn trọng đối với vị thế của đồng tiền Việt Nam. 

NHỰT THANH

 

;
.