Từ bỏ một hủ tục, được không?

Thứ Sáu, 26/10/2018, 09:52 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 19-10, đồng chí Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu đã ký quyết định xử phạt cơ sở dịch vụ mai táng L.L. (phường 4, TP.Vũng Tàu) 6 triệu đồng do rải vàng mã khi đưa tang. Đây là lần đầu tiên tại TP.Vũng Tàu và có lẽ cũng là lần đầu tiên trong cả nước, một trường hợp rải vàng mã khi đưa tang bị xử phạt hành chính. 

Việc rải vàng mã khi đưa tang, cũng như đốt vàng mã trong các dịp lễ, tết, giỗ chạp là phong tục lâu đời của người Việt. Đây là việc làm không những lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường và không còn phù hợp trong đời sống hiện đại. Thượng tọa Thích Minh Thường, trụ trì Linh Sơn cổ tự, chủ cơ sở mai táng Linh Sơn cổ tự từng giải thích: Phật không dạy phật tử việc rải vàng mã trên đường đưa tang. Bởi lẽ, trước khi di quan, gia đình đã làm lễ cúng, như một hình thức “xin đường” cho người chết. Khi đưa tang, các nhà sư cũng tụng kinh dẫn đường nên quan niệm rải vàng mã để “mua đường” cho người chết là không đúng.

Năm 2011, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư 04 quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Thông tư có nội dung khuyến khích người dân “không rắc vàng mã trên đường đưa tang” và “cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”. Bên cạnh đó, theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi rải vàng mã cũng thuộc diện bị xử phạt vi phạm hành chính do “vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị”.

Như vậy, việc rải, đốt vàng mã không được khuyến khích và thậm chí còn bị xử phạt nếu hành vi này được thực hiện nơi công cộng. Vì vậy, người dân cần thay đổi thói quen này. Việc thay đổi một thói quen không dễ, đặc biệt là khi nó liên quan đến vấn đề tâm linh. Bởi người Việt vốn trọng nghĩa, trọng tình, trọng hiếu. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều người coi việc rải và đốt vàng mã cho người chết hoặc cho thánh thần mới là tỏ lòng thành kính, mới được phù hộ cho mạnh khỏe, giàu sang, thăng quan tiến chức. Theo một thống kê chưa đầy đủ, ước tính mỗi năm, người dân cả nước đã đốt 5.000 tỷ đồng vàng mã. Người đốt vàng mã giàu đâu chưa thấy, nhưng người làm và bán vàng mã thì giàu lên trông thấy. Họ cũng rất nhạy bén trong việc nghiên cứu thị trường, cập nhật những sản phẩm, mẫu mã mới, nghĩa là thế giới người sống có gì thì thế giới người chết và thánh thần có thứ đó, từ nhà lầu, xe ngựa, xe máy đến xe hơi, máy bay hay các thiết bị giải trí như tivi, Iphone, Ipad… nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Giá trị của những món vàng mã cũng rất đa dạng, từ vài ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng/bộ.

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Tại một số địa phương, Phòng VH-TT và UBND phường, xã đã vận động chủ các cơ sở mai táng ký cam kết thực hiện nếp sống này. Khi gia đình nào có tang, UBND phường/xã cũng gửi thư chia buồn và khuyến cáo thực hiện văn minh trong đám tang, không xả rác ra môi trường. Nhiều người dân đã tích cực hưởng ứng chủ trương này, nhưng vẫn còn một bộ phận giữ hủ tục, thói quen cũ. Do đó, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang là cuộc đua đường dài. 

Trong bối cảnh đó, quyết định xử phạt hành chính của UBND TP.Vũng Tàu đối với cơ sở mai táng nói trên là việc làm cần thiết, nhằm nhắc nhở các cá nhân, tổ chức, thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước. Chế tài xử phạt đã đầy đủ, xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh, nhận thức người dân ngày càng nâng cao, cộng với quyết tâm vào cuộc bền bỉ của chính quyền địa phương trong việc vừa tuyên truyền, vận động, vừa kiên quyết xử lý vi phạm, hy vọng trong tương lai không xa, những thói quen, hủ tục như rải, đốt vàng mã sẽ dần bị xóa bỏ.

NGUYỄN ĐỨC

;
.