Sự nghiêm khắc - cần thiết, nhưng…

Thứ Tư, 24/10/2018, 19:03 [GMT+7]
In bài này
.

Một sự việc đang thu hút sự chú ý của nhiều người là vào ngày 23-10 mới đây, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) về hành vi bán 100 USD cho tiệm vàng T. L. (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ); ngoài ra, ông Rê còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng là số tiền bán 100 USD quy đổi. Đối với tiệm vàng T. L. có hành vi mua 100 USD của ông Rê, UBND TP. Cần Thơ cũng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 180 triệu đồng, ngoài ra, tiệm vàng này cũng bị xử phạt tiền, tịch thu tang vật về những vi phạm khác. 

Vụ việc trên cho thấy, UBND TP. Cần Thơ thể hiện sự nghiêm khắc trong xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về tiền tệ, được quy định tại: Thông tư số 20/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép; Nghị định 89/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế; Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó, xử phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi “Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”. 

Việc xử phạt như trên là sự nghiêm khắc cần thiết trong thực thi pháp luật của cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là đối với ông Rê, số tiền bị xử phạt tới 90 triệu đồng liệu có khả thi? Bởi, theo các thông tin cho biết, ông Rê là lao động phổ thông có thu nhập thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, số ngoại tệ 100 USD có được là do người thân gửi cho. Như vậy, việc nộp tiền phạt sẽ thực sự quá khó khăn đối với ông Rê.

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ. Mặt khác, Nghị định số 210/VBHN-BTP ngày 19-1-2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, nêu rõ: Việc quy định hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ vào mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt. 

Thực tế cho thấy, nhiều người dân không biết nơi nào có đại lý được phép thu đổi ngoại tệ, để đem ngoại tệ đến bán quy đổi ra tiền Việt Nam như quy định. Nếu vô tình vi phạm với mức độ thấp, không gây hậu quả nghiêm trọng mà bị xử phạt tới 100 triệu đồng, sẽ vượt quá khả năng chấp hành của người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Những trường hợp này, thiết nghĩ, nên xử phạt cảnh cáo và tịch thu tang vật vi phạm thì sẽ hợp lý, hợp tình và khả thi hơn. Qua vụ việc trên cũng cho thấy, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền những quy định pháp luật liên quan đến giao dịch tiền tệ, giúp cho người dân biết để tránh vi phạm. 

NHỰT THANH

;
.