Hành trình điều tra vụ bắn rơi máy bay MH17

Thứ Tư, 26/06/2019, 18:38 [GMT+7]
In bài này
.

Các điều tra viên quốc tế mất 5 năm thu thập bằng chứng để truy tố 4 nghi phạm gây ra thảm kịch khiến gần 300 người thiệt mạng.

Điều tra viên quốc tế công bố danh tính 4 người bị cáo buộc đưa tên lửa BUK vào Đông Ukraine.
Điều tra viên quốc tế công bố danh tính 4 người bị cáo buộc đưa tên lửa BUK vào Đông Ukraine.

Ngày 17/7/2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên hành trình từ Amsterdam đến Kuala Lumpur gặp nạn ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine, nơi phe ly khai thân Nga kiểm soát. Toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, 2/3 trong số đó là người Hà Lan.

Máy bay MH17 trúng một quả tên lửa phòng không, vỡ thành hàng trăm mảnh, cùng thi thể các nạn nhân rơi rải rác trên khu vực rộng lớn do phe ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Các điều tra viên quốc tế đã phải rất khó khăn mới tiếp cận được hiện trường để thu hồi thi thể nạn nhân, thu thập các mảnh vỡ và bắt đầu quá trình điều tra kéo dài tới 5 năm để truy tìm thủ phạm gây ra thảm kịch.

Petro Poroshenko, Tổng thống Ukraine lúc đó, gọi đây là “hành động khủng bố” do phe ly khai gây ra. Trong khi đó, lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine tuyên bố MH17 bị một chiến đấu cơ Ukraine bắn hạ. Tổng thống Nga Putin cho rằng Ukraine “phải chịu trách nhiệm”. Ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói tên lửa bắn hạ MH17 được phóng từ vùng do phe ly khai kiểm soát. Theo ông, phiến quân không thể bắn máy bay nếu không có sự hỗ trợ của Nga.

Tháng 9/2014, Ủy ban An toàn Hà Lan (OVV) công bố báo cáo cho biết, MH17 đã vỡ trên không trung sau khi bị một số vật thể tốc độ cao tấn công. Những mảnh vỡ máy bay với vô số lỗ thủng chi chít gần buồng lái cho thấy các mảnh tên lửa đã găm thẳng vào phần đầu máy bay và xé nát nó trên không trung. 

Tháng 7/2015, Nga phủ quyết một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc thành lập tòa án đặc biệt để truy tố những người đứng sau vụ tấn công. Một tháng sau đó, các nhà điều tra xác định được 7 mảnh vỡ lớn có thể từ hệ thống tên lửa đất đối không BUK, vốn có trong biên chế cả quân đội Nga và Ukraine.

Tháng 10/2015, các điều tra viên kết luận máy bay bị bắn hạ bởi một tên lửa được bắn từ Đông Ukraine và phát nổ phía bên trái buồng lái máy bay. “Đầu đạn khớp với loại tên lửa được lắp đặt trên hệ thống phòng không BUK”, Chủ tịch Ủy ban An toàn Hà Lan Tjibbe Joustra nói.

Tháng 9/2016, các thành viên Nhóm Điều tra chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu tuyên bố họ có “bằng chứng không thể chối cãi” rằng một tên lửa BUK đã được sử dụng trong vụ tấn công và tên lửa đó “có nguồn gốc từ lãnh thổ Liên bang Nga”. Họ nói tên lửa được phóng từ một cánh đồng ở miền Đông Ukraine do phe ly khai thân Nga kiểm soát nhưng không thể xác định ai đã ra lệnh khai hỏa vũ khí. Các giả thuyết máy bay gặp tai nạn, có phá hoại từ bên trong hay bị chiến đấu cơ tấn công đều bị loại trừ. Moskva mô tả cuộc điều tra là “thiên vị” và “có động cơ chính trị”.

Ngày 24/5/2018, điều tra viên quốc tế tuyên bố tên lửa có nguồn gốc từ một lữ đoàn quân đội Nga tại Kursk, miền Tây nước này và nó đã được chuyển vào Ukraine trước vụ rơi máy bay. Họ cũng xác định 2 nghi phạm chính sau khi thu được các cuộc đối thoại bị nghe lén trước và sau khi thảm kịch xảy ra.

Hôm sau, Hà Lan và Australia tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm về sự liên quan của họ đến vụ rơi máy bay. Trong khi đó, Nga nói “không một tên lửa phòng không nào” đã được chuyển qua biên giới Nga - Ukraine.

Tháng 4/2019, Tòa án Nhân quyền châu Âu thông báo cho Nga rằng họ đã bị 380 thân nhân của những người thiệt mạng từ 14 quốc gia khởi kiện. Ngày 19/6, JIT phát lệnh truy nã và truy tố tội giết người với ba công dân Nga là Sergei Dubinsky, Igor Girkin và Oleg Pulatov, cùng với công dân Ukraine Leonid Kharchenko. 4 người này bị cáo buộc đã đưa hệ thống tên lửa BUK vào miền Đông Ukraine.

3 nghi phạm người Nga đều có xuất thân quân ngũ và đã nắm giữ vị trí cấp cao trong chính quyền “Cộng hòa Nhân dân Donestk” do phe ly khai lập nên ở Đông Ukraine khi vụ rơi máy bay xảy ra. Mỹ kêu gọi Nga đảm bảo các cá nhân bị truy tố phải đối mặt với công lý.

Tuy nhiên, Nga nói cáo buộc của các điều tra viên JIT “hoàn toàn vô căn cứ”, “nhằm làm mất uy tín của Nga trong mắt cộng đồng quốc tế”. Nghi phạm Igor Girkin bác bỏ cáo buộc phiến quân ở Đông Ukraine đứng sau vụ tấn công. “Tôi chỉ có thể nói rằng phiến quân đã không bắn hạ máy bay Boeing đó”, Girkin nói với truyền thông Nga.

Phiên xét xử 4 nghi phạm sẽ bắt đầu vào ngày 9/3/2020 tại Hà Lan. Tuy nhiên, các nghi phạm nhiều khả năng bị xử vắng mặt vì Nga không cho phép dẫn độ công dân ra nước ngoài, trong khi lực lượng an ninh Ukraine không nắm được tung tích của Kharchenko.

PHƯƠNG VŨ 

;
.