101 lý do để vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

Thứ Ba, 26/09/2023, 18:08 [GMT+7]
In bài này
.

Khi bị CSGT xử phạt nồng độ cồn, người vi phạm thường đưa ra đủ các loại lý do và mong được thông cảm. Có trường hợp khi xin không thành đã bỏ phương tiện, không ký biên bản vi phạm.

 Tổ công tác lập chốt, đo nồng độ cồn trên QL51, đoạn qua TX.Phú Mỹ.
Tổ công tác lập chốt, đo nồng độ cồn trên QL51, đoạn qua TX.Phú Mỹ.

Muôn kiểu lý do!

18 giờ ngày 21/9, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an tỉnh huy động gần 30 cán bộ chiến sĩ lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên QL51, đoạn ngã tư Chinh Phong (TX.Phú Mỹ).

Thượng tá Lê Quang Tuấn, Phó Trưởng Phòng PC08 trực tiếp chỉ đạo tổ công tác chia thành 2 đội kiểm tra tại hai hướng đường, tiến hành đo nồng độ cồn tất cả phương tiện đi qua chốt. Để bảo đảm ATGT, tổ công tác tổ chức kiểm tra nhanh các phương tiện dừng chờ đèn đỏ, khi máy đo báo “phát hiện nồng độ cồn”, tổ công tác sẽ yêu cầu người điều khiển kiểm tra nồng độ cồn một lần nữa.

Ông L.T.P. (ngụ TX.Phú Mỹ) chạy xe máy BS 72E1-xxx.95 tới ngã tư Chinh Phong thì bị tổ công tác yêu cầu đo nồng độ cồn. Máy đo báo hiệu mức cồn 0,5 mg/lít khí thở. Trong trạng thái thiếu tỉnh táo, ông P. thừa nhận có uống một chút bia vì hôm nay họ hàng tổ chức tiệc đầy tháng. “Mặc dù biết điều khiển xe máy khi đã sử dụng bia rượu là sai nhưng lâu ngày mới đi tiệc nên… không thể từ chối”, ông phân bua.

Tương tự, ông H.V.L. (ngụ TX.Phú Mỹ) cũng bị xử phạt khi vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,820 mg/lít khí thở. Dù đứng không vững, ông L. vẫn khẳng định còn tỉnh táo để chạy xe về nhà và xin lực lượng chức năng “thông cảm một lần!”.

“Tôi có uống nhưng bây giờ chạy đi lấy thuốc về uống chứ đâu có đi vớ vẩn. Cả năm tôi uống có vài lần thôi!”, ông L. giải thích.

Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, tổ công tác ra hiệu dừng phương tiện BS 72D1-323... để đo nồng độ cồn, qua đó chủ phương tiện vi phạm mức 0,460 mg/lít khí thở. Bị yêu cầu lập biên bản xử phạt và tạm giữ phương tiện theo quy định, người đàn ông này giải thích bản thân “cũng là cán bộ” nên mong muốn được thông cảm. Nhiều lần xin bỏ qua lỗi vi phạm và gọi điện nhờ “can thiệp” nhưng bất thành, người đàn ông này bỏ lại phương tiện rồi đi bộ về.

Đối với trường hợp này, Trung tá Phạm Văn Khánh, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường bộ (PC08) yêu cầu cán bộ CSGT lưu ý, xác minh rõ thông tin người điều khiển phương tiện để xử lý nghiêm.

Xử lý nghiêm kết hợp tuyên truyền

Từ 18 giờ đến 23 giờ cùng ngày, tổ công tác đã kiểm tra nồng độ cồn với 263 xe ô tô, 582 xe mô tô. Quá trình xử lý vi phạm, tổ công tác phải “đau đầu” với nhiều trường hợp người vi phạm không hợp tác.

Ông N.V.B (ngụ TP.Vũng Tàu) khi chạy xe đến ngã tư Chinh Phong thì bị tổ công tác yêu cầu đo nồng độ cồn, trường hợp này vi phạm ở mức 0,161 mg/lít khí thở. Ông B. giải thích có uống bia tại TP.Hồ Chí Minh và đang trên đường chạy về nhà có công việc. Ông B. cho rằng mức cồn vi phạm của ông rất thấp, không đáng để bị tạm giữ phương tiện. Tổ công tác liên tục giải thích việc người tham gia giao thông đã uống bia rượu sẽ bị ngăn chặn hành vi điều khiển phương tiện, tuy nhiên ông B. không đồng tình khi bị giam xe. Sau một giờ giải thích, ông B. đồng ý ký vào biên bản vi phạm.

Một trường hợp khác là L.T.H (SN 2004) cũng bị xử phạt khi vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, thanh niên này dùng tên của cha là L.T.P (SN 1978) để ghi biên bản vi phạm. Quá trình làm việc, tổ công tác phát hiện dấu hiệu gian dối nên nhắc nhở, yêu cầu H. chấp hành.

Thượng tá Lê Quang Tuấn thông tin, chỉ trong 5 giờ lập chốt, tổ công tác đã xử phạt 46 trường hợp vi phạm (có 44 trường hợp vi phạm nồng độ cồn); tạm giữ 3 xe ô tô, 41 xe mô tô.

“Thời gian tới, lực lượng CSGT tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, đẩy mạnh tuyên truyền, kết hợp giải thích cũng như làm công tác tư tưởng. Mục tiêu để người vi phạm biết lỗi sai và tập thói quen không lái xe khi đã uống rượu bia, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, qua đó kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh”, Thượng tá Lê Quang Tuấn nói.

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN

;
.