20 ngày thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP: Kiểm soát chặt, tai nạn giảm

Thứ Hai, 20/01/2020, 22:23 [GMT+7]
In bài này
.

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) là người sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Chủ đề an toàn giao thông (ATGT) năm 2020 được xác định là “Đã uống rượu, bia - không lái xe” với nhiều biện pháp nhằm kiềm chế và kéo giảm TNGT. 

Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn trên Quốc lộ 51 đoạn qua TP. Bà Rịa.
Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn trên Quốc lộ 51 đoạn qua TP. Bà Rịa.

GIẢM ĐÁNG KỂ SỐ CA TNGT DO RƯỢU BIA

Theo ghi nhận của chúng tôi, số ca tai nạn cấp cứu tại các bệnh viện liên quan đến rượu, bia có xu hướng giảm. Chẳng hạn, tại Bệnh viện Bà Rịa, trước thời điểm Nghị định 100 có hiệu lực, trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 50 ca do tai nạn, trong đó phần lớn nạn nhân có sử dụng rượu, bia. Khi Nghị định 100/NĐ-CP có hiệu lực, số ca tai nạn liên quan đến rượu, bia giảm đáng kể: trung bình mỗi ngày giảm 5-6 ca. “Chúng tôi hy vọng tác động từ Nghị định 100, số ca tai nạn liên quan đến rượu, bia trong dịp Tết Canh Tý sẽ giảm, các y, bác sĩ trực cấp cứu sẽ bớt áp lực, căng thẳng”, Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bà Rịa chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa I, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Lợi Phan Hải Đăng cho biết, qua theo dõi 20 ngày triển khai Nghị định 100 số bệnh nhân bị tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lợi Lợi giảm 50%. Đặc biệt, trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông có hành vi quậy phá, hành hung bác sĩ do kích động từ hậu quả của rượu, bia tuyệt nhiên không còn. Bác sĩ Đăng nói: “Hy vọng rằng, tình hình này sẽ còn kéo dài qua Tết Nguyên đán”.

Hơn 20 năm làm nghề tài xế, anh Nguyễn Phi Long, lái xe 45 chỗ ngồi cho Công ty Vận tải Du lịch Mạnh Hà (văn phòng công ty tại TP. Bà Rịa) cho biết, lái xe là một nghề nhiều hiểm nguy. Khi chọn nghề này, anh Long luôn tâm niệm, tính mạng con người là trên hết, luôn cẩn trọng trong quá trình lái xe. “Với chế tài rất nặng là ngoài phạt nhiều tiền, tài xế còn bị tước giấy phép lái xe nếu vi phạm về nồng độ cồn. Chế tài này đã tạo tính răn đe các tài xế điều khiển phương tiện lưu thông trên đường nhằm phòng tránh, hạn chế tai nạn. Vì vậy, đã cầm ly uống rượu, bia thì tài xế không nên cầm lái”, anh Long bày tỏ.

Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 645 vụ TNGT đường bộ, làm 244 người chết và 526 người bị thương. Trong đó, có 16 vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia rồi tham gia giao thông. Trong năm, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản hơn 1 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong khi tham gia giao thông.

Đặc biệt, từ khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã ra quân thực hiện chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Qua đó, từ ngày 1/1 đến nay, Phòng CSGT (PC08) - Công an tỉnh đã lập biên bản gần 100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó 48 trường hợp vi phạm ở mức cao nhất (vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở); tổng số tiền xử phạt hơn 800 triệu đồng; tước giấy phép lái xe ô tô 26 trường hợp và mô tô 40 trường hợp; tạm giữ 89 phương tiện. “Khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/NĐ-CP có hiệu lực, tình hình TNGT liên quan đến uống rượu, bia trên địa bàn tỉnh đã giảm hẳn. Với việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ý thức người tham gia giao thông đang dần được nâng lên”, Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng Phòng PC08 nhấn mạnh.

TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT

Tại lễ phát động ra quân “Năm ATGT 2020” do Ban ATGT tỉnh tổ chức vào sáng 17/1 tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, ông Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban quốc phòng - an ninh của Quốc hội đề nghị các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thời gian tới cần tích cực phối hợp với Ban ATGT tỉnh trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Đặc biệt, bám sát chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” với mục tiêu phấn đấu giảm TNGT từ 5-10% số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2019. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, bảo đảm thực hiện mục tiêu tại “Đề án giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh BR-VT giai đoạn 2017 - 2021” phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao của các đơn vị.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Hành vi này cũng sẽ bị áp dụng biện pháp chế tài mạnh hơn theo Nghị định số 100/NĐ-CP (thay thế Nghị định 46/NĐ-CP) quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã tăng mức xử phạt đối với xe ô tô tối đa từ 16-18 triệu đồng của Nghị định 46/NĐ-CP lên mức 30-40 triệu đồng; xe máy tối đa từ 3-4 triệu đồng lên mức 6-8 triệu đồng; đối với người đi xe đạp, theo Nghị định 46/NĐ-CP không bị xử phạt hành vi này thì nay cũng sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng. 

Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra và xử lý vi phạm về trật tự ATGT; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các hệ thống giám sát, sử dụng các thiết bị kỹ thuật tiên tiến để ghi hình, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự ATGT, đặc biệt là hành vi vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông; thực hiện có hiệu quả kế hoạch ra quân cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nhằm bảo đảm cho người dân được vui Xuân – đón Tết an toàn. “Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, cùng nhau hành động có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, bạn bè và toàn xã hội; chủ động phòng ngừa và hạn chế nguy cơ xảy ra TNGT, giảm tổn thất không đáng có về sức khỏe, tính mạng và tài sản. Tất cả hành động theo chủ đề: “Đã uống rượu, bia – không lái xe”, ông Dương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
.