NHỮNG TRẬN ĐÁNH LỊCH SỬ Ở BR-VT TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

Tập kích căn cứ quân sự địch ở Vũng Tàu

Thứ Năm, 23/04/2020, 23:13 [GMT+7]
In bài này
.

>>> Chiến thắng Tầm Bó

Ngày 12/3/1966 lực lượng vũ trang Thị đội Vũng Tàu đã tập kích sân bay Vũng Tàu và Trung tâm huấn luyện cảnh sát quốc gia của Mỹ-ngụy ở Vũng Tàu. Cuộc tập kích đã gây tiếng vang lớn trên chiến trường Đông Nam Bộ. 

Máy bay trực thăng Mỹ tại sân bay Vũng Tàu. (Ảnh tư liệu)
Máy bay trực thăng Mỹ tại sân bay Vũng Tàu. (Ảnh tư liệu)

Sau chiến dịch Bình Giã, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ở miền Nam bị phá sản. Chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tháng 4/1965, Tổng thống Mỹ quyết định đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào chiến trường miền Nam trực tiếp tham chiến, tiến hành “Chiến tranh cục bộ”. Ngày 5/5/1965, Lữ đoàn dù 173 của Mỹ đổ bộ vào Vũng Tàu. Những ngày sau đó, nhiều đơn vị thiện chiến của Mỹ, Úc, Nam Hàn, tiếp tục đổ về đây rồi tỏa đi các chiến trường khác ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Vị trí cửa ngõ đường biển của Vũng Tàu trở nên đặc biệt quan trọng khi quân viễn chinh Mỹ trực tiếp nhảy vào miền Nam. Nhu cầu đổ bộ binh lính, vũ khí đạn dược và phương tiện chiến tranh tại các hải cảng ở Vũng Tàu là rất lớn. Để thực hiện ý đồ biến Vũng Tàu thành căn cứ sào huyệt phục vụ cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, tháng 10/1964, chính quyền Sài Gòn đổi đơn vị hành chính quận Vũng Tàu thuộc tỉnh Phước Tuy (BR-VT) thành TX. Vũng Tàu. Cùng với việc nâng cấp đơn vị hành chính, Mỹ-ngụy còn xây dựng và củng cố các căn cứ quân sự như sân bay, bến cảng, đồn bốt, đài ra đa trên Núi Lớn, lập các trung tâm huấn luyện cảnh sát, huấn luyện người nhái, lực lượng bình định nông thôn... Chúng điều động lực lượng quân cảnh, lính dù, cùng  nhiều đơn vị sừng sỏ của quân đội Sài Gòn tới Vũng Tàu, biến nơi đây thành căn cứ phục vụ cuộc chiến tranh ngày càng trở nên ác liệt ở miền Đông. 

Trong số những căn cứ quân sự của địch ở đây có sân bay Vũng Tàu và Trung tâm huấn luyện cảnh sát quốc gia là những vị trí trọng yếu, tập trung nhiều binh lực và phương tiện chiến tranh hiện đại của địch. Sân bay Vũng Tàu nằm ở trung tâm thị xã, được bảo vệ nghiêm ngặt. Từ giữa năm 1965, địch mở rộng và nâng cấp đường băng sân bay để các loại máy bay oanh kích cỡ lớn như C130, máy bay chiến đấu AD6, T28, L19... có thể lên xuống tham gia các cuộc ném bom bắn phá các căn cứ cách mạng ở Long Mỹ, Long Tân, Long Phước, Minh Đạm cũng như vùng duyên hải miền Đông. Cách sân bay Vũng Tàu không xa là Trung tâm huấn luyện cảnh sát quốc gia nằm ở Rạch Dừa. Mỗi khóa, Trung tâm này đào tạo 4.500 tên ác ôn khét tiếng cung cấp cho bộ máy kềm kẹp khủng bố của chính quyền Sài Gòn ở nhiều tỉnh thành.

Để đối phó với chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Bộ Chỉ huy Quân sự Miền Đông chủ trương đánh thẳng vào các căn cứ sào huyệt của địch ở các đô thị. Đầu năm 1966, Bộ Chỉ huy bố trí cho Thị đội Vũng Tàu đơn vị công binh A65, đồng thời nghiên cứu phương án tiến công sân bay Vũng Tàu và Trung tâm huấn luyện cảnh sát quốc gia. A65 được tăng cường 1 trung đội gồm 30 chiến sĩ người địa phương, thông thạo địa hình. A65 được đưa về căn cứ Long Tân huấn luyện kỹ thuật chiến đấu đặc công, rồi bí mật hành quân về căn cứ Minh Đạm, chuẩn bị cho trận tập kích nội ô TX. Vũng Tàu. 

 Được các cơ sở quần chúng giúp đỡ, tổ trinh sát của Thị đội đã tiếp cận và vẽ sơ đồ các mục tiêu, lập sa bàn sân bay Vũng Tàu để lên phương án tác chiến. Chuẩn bị bước vào trận đánh, cơ sở ở Phước Tỉnh đã dẫn đường, đưa A65 và vũ khí, đạn dược qua giồng Ông Sầm rồi vượt sông Cỏ May, bí mật ém quân, sẵn sàng chờ lệnh.

Đêm 12/3/1966, đơn vị A65 bất ngờ nổ súng tiến công Trung tâm huấn luyện cảnh sát quốc gia. Binh lính địch không kịp trở tay, tháo chạy tán loạn. Nhiều tên bị tiêu diệt tại chỗ. Cùng lúc đó, các chiến sĩ trinh sát A65 điều chỉnh tọa độ để pháo binh ta pháo kích vào các mục tiêu của địch ở sân bay Vũng Tàu và căn cứ Tiểu đoàn 6 lính dù. Máy bay địch bốc cháy ngút trời. Những tiếng nổ của bom đạn địch ở sân bay kéo dài hàng giờ, rung chuyển cả một vùng. Kết thúc trận đánh, quân ta đã phá hủy 32 máy bay các loại, diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch, làm thiệt hại nặng đường băng sân bay và nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. 

Trận tập kích vào hang ổ địch ở TX. Vũng Tàu quy mô không lớn, nhưng hiệu quả chiến đấu cao. Với cách đánh bí mật, bất ngờ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở cách mạng của quần chúng và lực lượng vũ trang, trận tập kích đã chứng tỏ khả năng chiến đấu của bộ đội địa phương trong giai đoạn chiến tranh đang diễn ra ác liệt, giáng một đòn đau vào cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn cũng như tham vọng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của quân đội viễn chinh Mỹ và chư hầu. 

TRẦN BÌNH

(*) Bài viết có tham khảo tư liệu từ Lịch sử Đảng bộ tỉnh BR-VT, Lịch sử Đảng bộ Miền Đông Nam Bộ, Lịch sử Tiểu đoàn 445 và một số tư liệu báo chí…

 

>>> Chiến thắng Tầm Bó

>>> Bình Giã - Đòn sấm sét vào chiến lược Chiến tranh đặc biệt

>>> Bình Giã - Đòn sấm sét vào chiến lược Chiến tranh đặc biệt

 
;
.