Phạm Hữu Chí - Thầy thuốc lỗi lạc - Kỳ 2: Những hoài bão còn dang dở

Thứ Hai, 18/11/2019, 20:17 [GMT+7]
In bài này
.

Là người tài, có ý thức tự tôn dân tộc rất cao nên Phạm Hữu Chí đã được nhiều người nể phục và giúp đỡ, kể cả người Pháp. Tiếc rằng, ông đã ra đi khi còn quá trẻ, mang theo bao dự định chưa thành hiện thực.

Phần mộ của bác sĩ Phạm Hữu Chí tại quê nhà, luôn được ĐVTN và HS huyện Long Điền chăm sóc.  Ảnh: Minh Tân
Phần mộ của bác sĩ Phạm Hữu Chí tại quê nhà, luôn được ĐVTN và HS huyện Long Điền chăm sóc. Ảnh: Minh Tân

Trong tình cảnh đất nước bị áp bức, người tài, tính cách thẳng thắn như Phạm Hữu Chí khó mà tìm được chỗ đứng nếu không có người hỗ trợ. May mắn thay, ông có người thầy và cũng là người “đỡ đầu” đầy uy tín - giáo sư André Lenierre, Quản đốc Bệnh viện Claude Bernard. Như đã đề cập ở kỳ trước, Phạm Hữu Chí được giáo sư André Lenierre đặc biệt chú ý bởi tư chất hơn người và chọn làm trợ tá cho ông. Thậm chí, giáo sư Lemierre đã dùng danh tiếng của mình để Phạm Hữu Chí được chấp thuận tham dự kỳ thi tuyển Y Viện trưởng cho trường Đại học Y khoa Pháp. Không phụ lòng thầy, ông đã đỗ thủ khoa.

Một người khác có vai trò quan trọng với Phạm Hữu Chí là người bạn gái bí ẩn của ông. Theo các giai thoại, sau cuộc biểu tình phản đối một giáo sư Pháp vì đối xử thô bạo, thiếu văn hóa với sinh viên Việt Nam, ông bị phạt cảnh cáo và phải lưu ban năm thứ hai. Nơi đất khách, Phạm Hữu Chí bơ vơ không biết đi về đâu. Ngay lúc đó, một người bạn gái vốn mến mộ Phạm Hữu Chí đã động viên ông phấn đấu vươn lên. Cô đã giúp ông xuất ngoại qua Pháp học nối tiếp vì trường Y Đông Dương là một chi nhánh của Trường Y khoa Paris.

Kể từ đó, Phạm Hữu Chí sống với ước mơ cháy bỏng, quyết trở thành một bác sĩ giỏi để phụng sự đất nước và đáp lại tấm chân tình của cô bạn gái đã hết lòng vì mình. Để có tiền nuôi ông ăn học, cô bạn đã bán tất cả, kể cả thứ quý giá nhất của người con gái. Đáng thương thay, ngày ông thành tài trở về, cũng là ngày cô gái ấy tự vẫn để khỏi phải xấu hổ khi đối mặt người yêu. Đứng trước nấm mồ người yêu, ông quyết định sẽ sống độc thân trọn đời.

Ngoài ra, Phạm Hữu Chí còn được sự giúp đỡ của người thầy, người bạn và là cha đỡ đầu cho ông - nhà bác học James Reilly, Trưởng phòng thí nghiệm Bệnh viện Claude Bernard; bác sĩ Đặng Vũ Lạc, người bạn cùng chí hướng mở bệnh viện tư để chữa trị cho người nghèo. Có giai thoại kể rằng, thầy James Reilly có ý muốn gả con gái cho ông nhưng ông chọn ở lại Việt Nam, sống và chết trên quê hương bên cạnh người yêu của mình.

Những năm, tháng cuối cùng của cuộc đời, trong con người Phạm Hữu Chí diễn ra sự giằng xé giữa một bên là bệnh tật ngày một nặng và một bên là sự lạc quan, ham sống và ưa hoạt động. Trong 1 năm làm việc tại Bệnh viện Henry Coppin, ông không những giúp bác sĩ Đặng Vũ Lạc tổ chức các hoạt động của bệnh viện, mà còn làm cho đồng bào được thừa hưởng kết quả các công trình nghiên cứu về y học của ông. Ngoài ra, ông còn dành thời giờ để nghiên cứu về bệnh sốt rét rừng. Ông đã đến tất cả những miền nước độc ở vùng Đông Dương để nghiên cứu và chữa trị căn bệnh này.

Nửa tháng trước khi từ trần, ông còn nhắc bác sĩ Đặng Vũ Lạc những dự định sắp làm. Đó là ước mơ mở một bệnh viện tầm cỡ như những bệnh viện lớn ở Tây Âu để cho người trong y giới có chỗ khảo cứu về y học. Ông còn muốn thực hành những chương trình y tế cộng đồng cho đồng bào mình như: Thăm khám cho phụ nữ trước khi sinh, chăm sóc y tế cho những phụ nữ nghèo sinh con và cho trẻ sơ sinh. Trước đó, ý tưởng giúp bệnh nhân nghèo được chăm sóc y tế của ông đã thực hiện được một phần ở bên Pháp, khi ông đã xin cho người An nam được khám bệnh không mất tiền, người An nam mắc bệnh lao được vào dưỡng bệnh ở các nhà thương lao tại Pháp…

Tiếc thay, bao nhiêu dự định ấy chưa thành thì ông đã hóa người thiên cổ vào ngày 25/2/1938!

Phạm Hữu Chí không vợ, không con, không gia sản, nhưng gia tộc ông và đất nước mãi nhắc đến ông với lòng trân quý. Với những đóng góp của mình cho y học, tên ông đã được đặt cho một con tàu 3.100 tấn chạy tuyến châu Âu - Viễn Đông. Tên ông cũng đã được đặt cho bệnh viện, trường học, con đường tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh.

 (Xem tiếp kỳ sau)

MINH THIÊN

;
.