Danh nhân văn hóa Bà Rịa - Vũng Tàu: Hoàng Việt - Tình ca, đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam

Thứ Sáu, 15/11/2019, 19:11 [GMT+7]
In bài này
.

Nhạc sĩ Hoàng Việt (1928 - 1967) tên thật là Lê Chí Trực, quê ở Long Hương, Bà Rịa (nay là phường Long Hương, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hoàng Việt là một nhạc sĩ tài năng, có nhiều tác phẩm âm nhạc xuất sắc, đóng góp lớn cho nền âm nhạc nước nhà, đặc biệt là tác phẩm Tình ca. 

Vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Việt năm 1950.
Vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Việt năm 1950.

Quê cha ở Bà Rịa, quê mẹ ở Tiền Giang, sinh ra ở Chợ Lớn Sài Gòn, nhưng cậu bé Lê Chí Trực lại học tập và lớn lên ở Vũng Tàu. Hoàng Việt có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh. Từ nhỏ, ông đã say mê âm nhạc, biết chơi nhiều loại nhạc cụ như đàn mandolin, violon, guitar, accordeon và biết sáng tác ca khúc khi chưa đầy 20 tuổi.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ, phong trào Thanh niên Tiền phong (TNTP) ra đời ở các tỉnh miền Đông để chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Hoàng Việt được tuyển vào ban nhạc TNTP Bà Rịa, thường xuyên tổ chức biểu diễn những bản hành khúc yêu nước như Lên đàng, Tiến quân ca... tạo không khí sôi động trong những ngày tiền khởi nghĩa.

Những ca khúc đầu tiên Hoàng Việt sáng tác với bút danh Lê Trực đã được phổ biến rộng rãi ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam như: Chí cả, Biệt đô thành, Tiếng còi trong sương đêm... Tác phẩm của Hoàng Việt giai điệu trong sáng mượt mà, ca từ dung dị tình cảm, nhưng ý tứ sâu sắc, có sức truyền cảm mạnh mẽ.

Cuối năm 1945, thực dân Pháp tái chiếm Sài Gòn, nhân dân Nam Bộ bước vào cuộc chiến tranh gay go quyết liệt. Hoàng Việt ra chiến khu tham gia kháng chiến, ông được phân công về ban quân nhạc Khu 8 ở Đồng Tháp Mười phục vụ bộ đội làm nhiệm vụ chiến đấu. Năm 1951, ông chuyển về Đoàn văn công Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ.

Giữa những ngày đạn bom chết chóc, Hoàng Việt vừa tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa sáng tác những ca khúc đầy chất lãng mạn mà vẫn mang âm hưởng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ/ Lá trên cành như anh trong toàn dân” (Lá xanh). “Kháng chiến nhất quyết thành công/Mai này kháng chiến thành công/Anh về em thỏa ước mong” (Lên ngàn).

Trong gian khổ ác liệt, ông vẫn sáng tác những ca khúc tươi vui, hồn nhiên, đầy chất thơ như: Nhạc rừng, Mùa lúa chín... Giai điệu cũng như ca từ trong trẻo lạc quan, tràn trề hy vọng về ngày chiến thắng.

Năm 1954, Hoàng Việt tập kết ra Bắc, được học khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội. Cũng thời gian này, ông sáng tác ca khúc Tình ca nổi tiếng, có thể coi là đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam. Giai điệu da diết mà dữ dội, mượt mà du dương đầy chất trữ tình mà vẫn toát lên chất anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Năm 1958, Hoàng Việt được cử sang Bulgaria học tại Nhạc viện Sofia. Tác phẩm tốt nghiệp của ông là bản giao hưởng Quê hương được đánh giá xuất sắc. Trở về nước, Hoàng Việt tình nguyện vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu. Ông được bổ sung vào Đoàn văn công Quân Giải phóng đúng thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ ở chiến trường miền Nam đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Năm 1967, nhạc sĩ Hoàng Việt đã anh dũng hy sinh ở Tiền Giang trong một trận chiến đấu chống càn.

Những cống hiến lớn lao của nhạc sĩ Hoàng Việt trong lĩnh vực âm nhạc đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Năm 2011, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng nhạc sĩ, chiến sĩ Hoàng Việt danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hơn 50 năm kể từ khi nhạc sĩ Hoàng Việt hy sinh, nhiều ca khúc của ông vẫn thường xuyên được cất lên ở nhiều nơi, trong các chương trình âm nhạc và cả trong đời thường. Tên tuổi của ông cũng được đặt làm tên đường ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

TRẦN BÌNH

;
.