NHỮNG SẢN VẬT NỔI TIẾNG CỦA BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Nức tiếng nhãn xuồng cơm vàng

Thứ Sáu, 20/09/2019, 19:51 [GMT+7]
In bài này
.

Kỳ 1: “Bén duyên” với vùng đất lành

Theo lời kể của các lão nông, cây nhãn xuồng cơm vàng “bén duyên” với đất  BR-VT từ những năm 1962. “Cha đẻ” của giống nhãn xuồng cơm vàng là ông Phan Văn Tư hay còn gọi Tư Trệt, năm nay đã 80 tuổi (71, Bắc Sơn, phường 11, TP. Vũng Tàu). Năm 1962, gia đình ông Tư chuyển từ Tiền Giang đến phường 11 sinh kế lập nghiệp. Ông Tư đã tình cờ phát hiện ra loại nhãn quý và tìm cách nhân giống, phát triển trên vùng đất cát khai phá được. 

Ông Bùi Quang Duyệt (12/6/78, Nguyễn Gia Thiều, phường 12, TP.Vũng Tàu) thu hoạch nhãn bắp cải.
Ông Bùi Quang Duyệt (12/6/78, Nguyễn Gia Thiều, phường 12, TP.Vũng Tàu) thu hoạch nhãn bắp cải.

Ông Tư khi đến lập nghiệp tại BR-VT đã khai phá 2ha đất hoang và trồng các loại nhãn trơ, nhãn da bò,… nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì không được thị trường ưa chuộng. Đến năm 1962, một lần tình cờ bắt gặp đàn dơi tha nhãn về ăn, rồi nhả đầy hạt xuống đất, ông nhặt về ươm trồng. 3 năm sau, những cây nhãn bắt đầu ra trái, khi chín quả to gần bằng đầu ngón chân cái, rất sai, hạt nhỏ, cơm dày, màu vàng ươm, có mùi vị thơm ngon rất đặc trưng. Nhìn hình dạng quả nhãn to hơn nhãn da bò ở Huế, khi nhãn chín vỏ chuyển sang màu nâu sậm, ở giữa (phần đầu cuống) lõm xuống, hai đầu nhô lên trông rất giống cái xuồng (thuyền), cơm vàng ươm, thơm lừng. Thấy vậy ông Tư đặt tên là nhãn xuồng cơm vàng.

Nhận thấy đây là giống nhãn quý, ông Tư quyết định cấy ghép và nhân giống. Tuy nhiên, cho đến năm 1997, người dân BR-VT mới biết vùng đất này đang sở hữu một giống cây vô cùng quý giá. Đó là khi Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức hội thi trái cây các tỉnh phía Nam. Tại cuộc thi này, nhãn xuồng cơm vàng của ông Tư đã chinh phục những vị giám khảo khó tính, vượt qua nhiều loại trái cây đến từ nhiều tỉnh khác và đạt giải Nhất. Sau cuộc “chinh phục” thành công đó, danh tiếng của nhãn xuồng cơm vàng BR-VT nổi lên khắp các tỉnh miền Tây và các tỉnh lận cận.

Trong số những loại nhãn có nguồn gốc từ nhãn xuồng cơm vàng, phải kể đến nhãn bắp cải. Một giống nhãn đặc sản nức tiếng của BR-VT. Chúng tôi tới vườn nhãn của ông Bùi Quang Duyệt (12/6/78, Nguyễn Gia Thiều, phường 12, TP.Vũng Tàu) khi mùa nhãn đã đi vào cuối vụ nên cả vườn chỉ còn lại 1 gốc giống nhãn bắp cải rất sai trái. Ông Duyệt cho hay: “Nhãn bắp cải luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Sở dĩ còn sót lại một gốc vì từ đầu mùa khách đã “cọc” tiền bao nguyên cây, họ hẹn tuần tới hái để gửi sang Pháp làm quà cho người thân”. 

Ông Duyệt  kể, năm 1992, ông tới dự tiệc liên hoan tại nhà một người quen ở phường 12, TP.Vũng Tàu. Món tráng miệng hôm đó là nhãn, thấy giống nhãn trái to, cùi dày, hạt lép lại ngon ngọt nên ông mang hạt về trồng. Sau 3 năm ươm giống, trồng cây, đến ngày ra quả bói, trong số gần 100 cây giống, chỉ có 1 cây cho cùi nhãn dày, giòn, màu vàng ươm và vị ngọt thanh đậm. Nhận ra giống nhãn quý, ông đã bắt tay nhân giống, phát triển rộng thành vườn nhãn xuồng cơm vàng, cái tên nhãn “Hai Duyệt” cũng từ đó mà có.

Đến nay, ngoài ông Tư, nhiều người dân trong tỉnh cũng đã áp dụng lai ghép và nhân giống thành công nhiều giống nhãn xuồng với tên gọi khác như: nhãn xuồng cơm vàng, nhãn xuồng bao công... Không chỉ TP. Vũng Tàu, giống nhãn xuồng cơm vàng còn được nhân rộng và phát triển tại nhiều nơi như: Tóc Tiên, Châu Pha (TX. Phú Mỹ); Phước Long Thọ, Phước Hội, Long Mỹ, Lộc An (huyện Đất Đỏ); Phước Thuận, Hòa Hiệp, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và các phường: 11, 12 (TP.Vũng Tàu). Ở đâu, cây nhãn xuồng cũng nương nhờ vào đất cát, nắng và gió để sống và tặng cho người nông dân những mùa quả ngọt. 

Từ giống nhãn “Hai Duyệt”, ông tiếp tục chọn những cây ưu tú nhất nhân giống thành công nhãn bắp cải, loại nhãn được mệnh danh là “Vua các loài nhãn”. Nhãn bắp cải ngon nhất là khi chín cây, có mùi thơm hấp dẫn cùng với độ ngọt lịm khác biệt. Tách vỏ ra, sẽ thấy lớp cơm săn chắc, che khuất hẳn hạt bên trong. Thịt của giống nhãn này mọng nước nhưng lại có độ giòn sật. Nhờ hương vị độc đáo, mới lạ mà người dân cũng như du khách mỗi khi ghé Vũng Tàu đều “lùng” cho bằng được, dù giá loại nhãn này tại vườn lên tới 150-170 ngàn đồng/kg. Tiếng lành đồn xa, ông Duyệt cho hay, đến nay, nhãn bắp cải của ông đã được nhiều người mang sang tận Na Uy, Canada, Úc, Pháp, Hàn Quốc… làm quà.

Nhiều nhà vườn trong tỉnh đã tìm đến vườn nhãn ông Duyệt để mua giống về lai ghép. Tuy nhiên, theo ông Duyệt, giống nhãn bắp cải  là loại đặc biệt hiếm, khó trồng, khó chăm sóc, sản lượng lại không cao nên ít người trồng. Trong số 300 gốc nhãn trong vườn của ông Duyệt cũng chỉ có 20 cây nhãn bắp cải. 

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

(Xem tiếp kỳ sau)

;
.