Xứng danh anh hùng LLVTND - Liệt sĩ Châu Văn Biếc - Kỳ cuối: Cảm tử hy sinh

Thứ Năm, 19/09/2019, 20:29 [GMT+7]
In bài này
.

Trong một trận đánh, bị bắn trọng thương, ông Châu Văn Biếc gài trái lựu đạn dưới thắt lưng, nằm úp xuống đất. Khi địch lật người ông lên, lựu đạt phát nổ, hạ gục 2 tên lính bảo an, làm đội hình địch hỗn loạn.

Giáo viên Trường THCS Châu Văn Biếc giới thiệu về tiểu sử Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Châu Văn Biếc cho HS của trường.
Giáo viên Trường THCS Châu Văn Biếc giới thiệu về tiểu sử Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Châu Văn Biếc cho HS của trường.

Sau trận đánh Bàu Ông Vực lập chiến công vang dội vào tháng 7/1972, ông Châu Văn Biếc với cương vị Xã đội trưởng Long Mỹ cùng đồng đội tiếp tục tham gia nhiều trận đánh, làm quân địch hoang mang. Tháng 1/1973, ông cùng đồng đội xâm nhập vào đồn địch ở Long Mỹ vào ban đêm. Bị vướng bẫy, mìn nổ ngay bên cạnh nhưng ông vẫn bình an. Không hoảng hốt bỏ chạy, nhân lúc địch hoang mang bởi tiếng nổ, ông nhanh chóng đột nhập vào đồn, lấy được thùng lựu đạn 26 trái, và một số quân trang của địch.

Trong một trận chống càn vào Long Mỹ, lợi dụng rừng cây che khuất, ông Châu Văn Biếc cùng đồng đội tiếp cận đội hình giặc, ném lựu đạn lên không trung, tạo thành tiếng nổ trên đầu đội hình địch. Bọn địch tưởng pháo kích, tháo chạy tán loạn.

Cuộc đời chiến đấu mưu trí, sáng tạo của Xã đội trưởng Châu Văn Biếc đã cổ vũ, động viên rất lớn tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Long Đất (nay thuộc huyện Đất Đỏ). Kể cả cho đến giờ phút hy sinh, ông Châu Văn Biếc vẫn mưu kế hạ địch, giúp đồng đội thoát khỏi vòng vây.

Đó là buổi sáng 26/3/1973. Xã đội trưởng Châu Văn Biếc cùng Xã đội phó trên đường từ căn cứ ra nắm tình hình địch thì lọt vào ổ phục kích của 1 Trung đội bảo an. Ngay loạt súng đầu tiên của địch, ông Châu Văn Biếc bị thương ở đùi. Từ phía sau, đồng đội của ông vừa nổ súng, vừa bò lên định dìu ông về phía sau, nhưng không tiếp cận được do hỏa lực của địch. Ông Châu Văn Biếc dùng tay ra hiệu cho đồng đội rút lui. Bọn địch siết chặt vòng vây, liên tục gọi hàng. Còn 2 trái lựu đạn, ông đợi chúng đến thật gần liền rút chốt liệng 1 trái về phía địch. Trái lựu đạn còn lại, ông mở chốt gài dưới thắt lưng và nằm đè lên với tất cả sinh lực còn lại. Hai tay ông nắm chặt, đầu hướng về dãy núi Minh Đạm - khu căn cứ ông từng sống và chiến đấu. Địch thận trọng tiến đến chỗ ông. Nhưng khi chúng vừa lật ngửa ông lên, trái lựu đạn phát nổ. Châu Văn Biếc cảm tử hy sinh nhưng vẫn kịp hạ gục 2 tên lính bảo an, làm đội hình địch rối loạn.

Một buổi sinh hoạt tìm hiểu lịch sử huyện Đất Đỏ giữa cô và trò Trường THCS Châu Văn Biếc. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Một buổi sinh hoạt tìm hiểu lịch sử huyện Đất Đỏ giữa cô và trò Trường THCS Châu Văn Biếc. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Từ khi tham gia chiến đấu đến lúc hy sinh, ông Châu Văn Biếc đã trực tiếp tham gia 17 trận đánh lớn, lập nên nhiều chiến công. Ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh và huyện. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 20/12/1994, liệt sĩ Châu Văn Biếc được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Đây là phần thưởng cao quý, trân trọng và ghi nhận công lao của người con quê hương Long Mỹ, đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Hiện nay, tại xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ có một ngôi trường mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Châu Văn Biếc. Thầy Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Biếc cho hay, trong hơn 20 năm thành lập, nhà trường luôn chú trọng giáo dục truyền thống cho HS về quá trình chiến đấu, hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Châu Văn Biếc. “Thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ và nói chuyện với các cựu chiến binh; tổ chức cuộc thi viết bài tìm hiểu về quá trình hoạt động cách mạng của liệt sĩ Châu Văn Biếc đã giúp các em hiểu rõ, ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay”, thầy Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
.