Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết

Chủ Nhật, 10/01/2021, 17:20 [GMT+7]
In bài này
.

 

Thời điểm cận Tết, người tiêu dùng lại canh cánh nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Để có thêm thông tin về công tác bảo đảm VSATTP, nhất là công tác kiểm tra, kiểm soát trong dịp Tết và mùa lễ hội, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Tiêu Văn Linh, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh về vấn đề này.  

* Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ mất VSATTP trong dịp Tết trên địa bàn tỉnh?

- Ông Tiêu Văn Linh: Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu mua sắm các loại thực phẩm tăng cao. Do đó, các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh cũng tăng cường sản xuất, lưu thông và phân phối lượng lớn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm khô, bao gói sẵn thường sử dụng trong các ngày lễ, tết. Tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng trà trộn trên thị trường là điều khó tránh khỏi. 

Dịp Tết còn xuất hiện nhiều loại thực phẩm sản xuất theo thời vụ, không có bao gói, hoặc bao gói đơn giản như các loại mứt, bánh chưng, bánh tét, các sản phẩm chế biến từ thịt… do cá nhân tự sản xuất. Những sản phẩm này được tiêu thụ khá nhiều nhưng ít được đăng ký với cơ quan quản lý, giám sát về chất lượng VSATTP. 

Bên cạnh đó, nhiều cuộc liên hoan tất niên được tổ chức liên tục vào dịp cận Tết thường tập trung ăn uống đông người cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, thói quen tích trữ nhiều thực phẩm và bảo quản thực phẩm không đúng của người dân trong dịp Tết cũng gây nguy cơ mất ATTP.

*  Thách thức lớn nhất của công tác kiểm tra VSATTP Tết trên địa bàn tỉnh là gì, thưa ông?

- Nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm tập trung trong dịp Tết rất lớn, trong đó không tránh khỏi tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, lực lượng cán bộ làm công tác ATTP còn mỏng. Nhận thức của một số người tiêu dùng còn hạn chế, dễ dãi trong sử dụng thực phẩm. Vẫn còn cơ sở thực phẩm chưa chấp hành các quy định về VSATTP, hoặc chấp hành mang tính đối phó.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 cũng gây không ít những khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP trên địa bàn. Để phòng chống dịch, ngành y tế đã ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh. Sau giãn cách xã hội do dịch bệnh, để tạo điều kiện phục hồi sản xuất cho DN, công tác kiểm tra ATVSTP cũng hạn chế. 

Khó khăn nữa là, sau thời gian vắng khách, các cơ sở có tâm lý chủ quan trong việc thực hiện quy định về bảo đảm VSATTP. Trong khi đó, sau thời gian hạn chế các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí do dịch bệnh, lượng du khách đến BR-VT lại tăng mạnh, nhất là trong các dịp lễ, Tết Dương lịch vừa qua và Tết Nguyên đán sắp tới, dự kiến lượng khách sẽ tăng cao.

Do đó, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo ATTP Trung ương, Chi cục đang tăng cường công tác hậu kiểm ATTP năm 2021; đồng thời tham mưu Ban chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh.

     Đoàn kiểm tra ATTP tỉnh kiểm tra quầy bán thực phẩm khô, đóng gói tại chợ  Phước Nguyên (TP. Bà Rịa). Ảnh: Minh Thiên.
Đoàn kiểm tra ATTP tỉnh kiểm tra quầy bán thực phẩm khô, đóng gói tại chợ Phước Nguyên (TP. Bà Rịa). Ảnh: Minh Thiên.

* Vấn đề bảo đảm VSATTP có vai trò, nhận thức lớn của người dân, ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết này?

- Người tiêu dùng cần trang bị kiến thức về lựa chọn thực phẩm an toàn; không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nếu phát hiện thực phẩm nghi ngờ không bảo đảm an toàn, người tiêu dùng hãy phản ánh về đường dây nóng của ngành y tế qua số điện thoại 088.8800247 để các cơ quan chức năng kiểm tra và có biện pháp xử lý theo quy định. 

*  Thời gian qua, trên địa bàn đã xảy ra một số vụ ngộ độc có liên quan đến hải sản. Trong khi hải sản là một trong những thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết. Ông có khuyến cáo gì cho người dân để phòng tránh?

- Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc do ăn cá hồng được đánh bắt tại vùng biển Lagi Bình Thuận. Loại cá này không có độc tố, nhưng cá ăn tảo có chứa độc tố Ciguatera sinh sống ở các rạn san hô ven bờ biển, các vùng nước ấm. Độc tố này tồn dư trong cơ thể cá, gây ra ngộ độc cho người ăn. Trước đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra các vụ ngộ độc do ăn cá nóc, ăn so.

Do đó, người tiêu dùng nên hạn chế ăn nội tạng cá; không ăn hải sản sống; hải sản có chứa nguy cơ tồn dư độc tố như kể trên.

* Xin cám ơn ông!

MINH THIÊN 

(Thực hiện)

;
.