Người lớn hãy làm gương cho con trẻ

Thứ Hai, 09/09/2019, 20:25 [GMT+7]
In bài này
.

Vừa khai giảng, chính thức đi vào học tập được một tuần, hôm nay đi học về, cô con gái hiện đang học tại một trường THCS trên địa bàn TP.Vũng Tàu đề nghị tôi mua một bình đựng nước bằng inox có quai đeo để mang đi học hàng ngày. Hỏi kỹ ra mới biết, sáng nay, trong giờ chào cờ đầu tuần, con gái tôi được nghe nhà trường nói chuyện về tác hại của những bình nước đóng chai bằng nhựa đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các chai đựng nước sử dụng nhiều lần. Thì ra, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã lan đến các trường học.

Hiện nay, tình hình ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề mang tính toàn cầu và Việt Nam là một trong 5 quốc gia đứng đầu về rác thải nhựa đổ ra biển. Việc xử lý rác thải nhựa cũng rất khó khăn, phức tạp, tốn kém chi phí. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm năm, các chất thải nhựa mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Trước tình hình lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng, nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng các chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt; chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm với nhiều việc làm thiết thực. Tại BR-VT, tháng 3/2019, Tỉnh ủy đã có công văn số 5422-CV/TU yêu cầu UBND, HĐND tỉnh, các ban của Tỉnh ủy, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh nghiên cứu, sử dụng các sản phẩm bình đựng nước dùng nhiều lần để thay thế cho chai nước suối dùng một lần tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo…  Tiếp đó, tháng 5/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1334/QĐ-UBND triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”. Theo đó, phong trào được thực hiện trên toàn tỉnh, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái biển. Thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cơ quan, công sở thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, thay nước uống đóng chai tại các cuộc họp bằng các loại bình sử dụng nhiều lần. Tại các cuộc hội họp, các bình nước bằng inox hoặc các loại vật liệu thân thiện với môi trường xuất hiện ngày càng nhiều và trở nên quen thuộc.

Công bằng mà nói, phong trào “Chống rác thải nhựa” hiện đã được triển khai có hiệu quả tại các công sở, nhưng trong cộng đồng dân cư vẫn còn hạn chế. Hiện nay, tình trạng sử dụng túi ni lông, nước suối đóng chai trong sinh hoạt hàng ngày tại các hộ gia đình, cộng đồng dân cư vẫn còn khá phổ biến. Trở lại câu chuyện con gái tôi ở trên, bản thân người viết cũng giật mình khi mà chỉ vì tiện lợi, hàng ngày tôi vẫn cho con gái mang nước suối đóng chai đến trường! Thiết nghĩ, để phong trào “Chống rác thải nhựa” thực sự đạt hiệu quả cao, chúng ta cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là trong cộng đồng dân cư nhằm dần dần thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, nước suối đóng chai bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường… Chúng ta, những người lớn, hãy gương mẫu thực hiện để con em chúng ta cùng noi theo.

QUỐC KHÁNH

;
.