Cúm A/H5N6 sẽ rất nguy hiểm khi lây sang người

Chủ Nhật, 18/08/2019, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Trên địa bàn tỉnh đã xuất dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm. Ngoài việc gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, một trong những lo lắng của người dân hiện nay là khả năng lây lan dịch cúm sang người. Trao đổi về nguy cơ này, Bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết:

Nhiều năm qua, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh cúm A/H5N6 trên người. Nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người là rất cao. Bởi hiện nay, việc quản lý gia cầm nhập lậu, vận chuyển, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm bệnh, chết, chăn nuôi nhỏ lẻ... chưa được kiểm soát triệt để.

Những người tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, khi có các triệu chứng: sốt đột ngột; ho, đau họng, viêm long đường hô hấp hoặc khó thở, đau ngực, cần nghĩ ngay đến cúm A/H5N6. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Bà Rịa kiểm tra cho bệnh nhân.
Những người tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, khi có các triệu chứng: sốt đột ngột; ho, đau họng, viêm long đường hô hấp hoặc khó thở, đau ngực, cần nghĩ ngay đến cúm A/H5N6. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Bà Rịa kiểm tra cho bệnh nhân.

* Biện pháp nào để giảm thiểu nguy cơ, thưa ông?

- Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT đã có thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT về Hướng dẫn phối hợp phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Với trường hợp ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 vừa phát hiện, khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng địa phương tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm; cấp và hướng dẫn sử dụng hóa chất diệt khuẩn, vệ sinh chuồng trại; giám sát các hộ nuôi gia cầm gần khu vực có ổ dịch. Về phía ngành y tế, chúng tôi đã lập danh sách theo dõi sức khỏe những người trong hộ gia đình có gia cầm bệnh chết và những người tham gia tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh trong 21 ngày. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cán bộ y tế sẽ hướng dẫn cách ly và chuyển đến cơ sở y tế điều trị.

Với các cơ sở điều trị, khi có thông báo những trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H5N6 sẽ chuyển vào các khu vực cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định nếu có các chỉ định. Tất cả mẫu này sẽ chuyển về Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh.

* Những dấu hiệu đặc trưng nào để nhận biết sớm nhất bệnh cúm A/H5N6, thưa bác sĩ? 

- Những người đã tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh khi có các triệu chứng: sốt đột ngột; ho, đau họng, viêm long đường hô hấp hoặc khó thở, đau ngực, cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc bệnh cúm A/H5N6. Khi đã có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị.

* Bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân để chủ động tự phòng, tránh bệnh?

- Cúm A/H5N6 là cúm gia cầm có độc lực cao, khi lây sang người dễ dẫn đến tử vong. Để tránh lây bệnh từ gia cầm, mọi người cần thực hiện những khuyến cáo như sau: Không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc; tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm bệnh, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc đơn vị thú y hoặc y tế gần nhất trên địa bàn. Tuyệt đối không vận chuyển, mua bán gia cầm bệnh, chết. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm, đặc biệt tại các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ; liên hệ với thú y địa phương để có hướng dẫn cụ thể.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

MINH THIÊN (Thực hiện)

;
.