Giải quyết khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất

Thứ Sáu, 16/02/2024, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 16/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước.

Thị trường Tết ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy nguồn cung, giá cả hàng hóa tăng nhẹ. Trong ảnh: Người dân mua sắm Tết tại Lotte Mart Vũng Tàu.
Thị trường Tết ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy nguồn cung, giá cả hàng hóa tăng nhẹ. Trong ảnh: Người dân mua sắm Tết tại Lotte Mart Vũng Tàu.

Theo báo cáo, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh, xuất khẩu tiếp tục trên đà phục hồi, doanh thu dịch vụ tăng khá, do đây là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 cả nước tăng 18,3% so với cùng kỳ. 

Dịp Tết Nguyên đán 2024, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết trong cả nước phong phú, đa dạng, giá ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý… Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung và các cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu nói riêng được triển khai thường xuyên; tình hình cung cấp điện trong dịp Tết ổn định…

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, IIP trừ dầu và khí đốt toàn tỉnh tháng 1/2024 tăng 22,94% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) tăng 2,07%. Thị trường Tết Nguyên đán tương đối ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy nguồn cung, giá ổn định. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát được đẩy mạnh, góp phần ổn định thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp sau Tết để hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu năm 2024. Trong đó, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh để kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc hỗ trợ DN phục hồi, phát triển sản xuất; cơ cấu lại ngành công thương theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tinh gọn, hiệu quả; theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu, điện nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu… cho quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước diễn ra thông suốt.

Tin, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.