.

Cơ sở công nghiệp nông thôn tìm cơ hội mới

Cập nhật: 17:45, 08/01/2024 (GMT+7)

Gác lại những khó khăn, thử thách năm 2023, các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục nỗ lực, chủ động về nguồn vốn, đầu tư máy móc sản xuất để tìm ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong năm mới.

Năm 2024, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển.  Trong ảnh: Du khách tham quan tại phòng trưng bày sản phẩm của Công ty Khang Việt Tiến (huyện Long Điền),  được hỗ trợ xây dựng từ nguồn vốn khuyến công.
Năm 2024, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển. Trong ảnh: Du khách tham quan tại phòng trưng bày sản phẩm của Công ty Khang Việt Tiến (huyện Long Điền), được hỗ trợ xây dựng từ nguồn vốn khuyến công.

Nhiều kỳ vọng vào mùa sản xuất mới          

Những ngày đầu năm, không khí tại nhà xưởng của Công ty TNHH Ân Sơn Phát (xã Láng Lớn), một trong những cơ sở gia công cơ khí có quy mô lớn tại huyện Châu Đức trở nên khẩn trương. Vừa qua, DN này nhận được một đơn hàng của đối tác trong tỉnh với giá hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Võ Văn Hiếu, Giám đốc Công ty cho biết, trong năm 2023, chủ yếu nhận các đơn hàng gia công có giá trị không quá lớn, của khách quen ở địa phương. Giá trị của đơn hàng vừa qua gần như bằng cả năm cộng lại, đây thực sự là tín hiệu vui với một DN sản xuất có quy mô vừa và nhỏ.

“Năm 2023 không dễ dàng với DN do bối cảnh khó khăn chung. Nhưng DN đã nỗ lực và có được kết quả thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, lĩnh vực gia công cơ khí chất lượng cao trên địa bàn huyện Xuyên Mộc chưa có nhiều. Do đó, tôi vẫn tin tưởng vào tiềm năng phát triển của DN mình trong lĩnh vực này, do đó, đã đầu tư thêm máy cắt CNC với trị giá gần 1 tỷ đồng để mở rộng sản xuất”, ông Hiếu cho biết thêm.

Tại huyện Xuyên Mộc, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn cũng đã sẵn sàng cho “mùa” sản xuất, kinh doanh 2024. Cơ sở sản xuất gỗ gia dụng Ngọc Đức Phát mới đi vào hoạt động từ giữa năm 2023, chuyên sản xuất các loại ván gỗ công nghiệp nguyên khối, gia công các loại tủ quần áo, tủ bếp và một số loại nội thất từ gỗ.

Anh Ngô Văn Hiếu, chủ cơ sở cho biết, trong năm đầu tiên hoạt động, sản phẩm của cơ sở đã tạo được ấn tượng tốt cho một số khách hàng, nhờ có nhiều ưu điểm như chống thấm nước, mối mọt. Quy trình sản xuất được tự động hóa giúp sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng khó tính. 

“Tới đây, chúng tôi không chỉ đầu tư thêm máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà sẽ nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tới một số địa phương lân cận với mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, ông Hiếu nói.

Sản xuất đồ nội thất từ gỗ công nghiệp tại cơ sở Ngọc Đức Phát  (huyện Xuyên Mộc).
Sản xuất đồ nội thất từ gỗ công nghiệp tại cơ sở Ngọc Đức Phát (huyện Xuyên Mộc).

Trợ lực cho cơ sở công nghiệp nông thôn

Bên cạnh đó, các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của tỉnh còn nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Vừa qua, Công ty TNHH Khang Việt Tiến đã đưa vào hoạt động phòng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm từ lục bình. Ông Đỗ Văn Trung, Giám đốc Công ty cho biết, sản phẩm của DN chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu… Trong năm 2024, DN vừa tiếp tục chú trọng tìm tòi, sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới, đẹp, có chất lượng cao, vừa mở rộng thêm các khách hàng mới. 

“Việc đưa phòng trưng bày vào hoạt động giúp DN có nơi để giới thiệu sản phẩm với khách hàng trong tỉnh để tìm kiếm thêm đối tác. Đồng thời, chúng tôi cũng đã đón một số đoàn khách du lịch để giới thiệu về quy trình sản xuất, nghề truyền thống cũng như văn hóa, lịch sử của huyện Long Điền”, ông Trung nói.     

Có đơn hàng, có sự tự tin, nhiều DN, cơ sở công nghiệp nông thôn đang có được khởi đầu thuận lợi cho “mùa” sản xuất mới. Tuy nhiên, năm 2024 được nhận định vẫn nhiều thách thức, đặc biệt là với DN, cơ sở có quy mô vừa và nhỏ.

“Bắt mạch” được các điểm yếu về vốn, công nghệ sản xuất, quy trình quản trị, khả năng tiếp cận thị trường, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn. Trong đó, tập trung triển khai các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến; hỗ trợ DN, cơ sở quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua nhiều “kênh” khác nhau; tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở công nghiệp nông thôn; hoàn thiện xây dựng đề án hỗ trợ các cơ sở đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
.
.
.