Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Kỳ 1: Năng suất, chất lượng tăng cao nhờ ứng dụng công nghệ

Thứ Hai, 21/08/2023, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Sau chặng đường 5 năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm NNUDCNC trên tổng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng tăng qua các năm, thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại huyện Đất Đỏ đem lại lợi nhuận cao.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại huyện Đất Đỏ đem lại lợi nhuận cao.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Mô hình trồng bưởi theo phương pháp hữu cơ của Công ty CP Công nghệ cao Kim Long (thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) được xem là điển hình trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất cho năng suất, hiệu quả cao. Trang trại có diện tích 50ha đã được lắp đặt hệ thống tưới phun sương và bón phân hữu cơ thông qua hệ thống tưới điều khiển tự động. Nhờ đó, công ty đã giảm 80% công lao động. Công ty còn sử dụng ăng ten cảm biến báo gió, độ ẩm của vườn để theo dõi và điều chỉnh lịch tưới phù hợp. Nhờ vậy, cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Trong 50ha bưởi của công ty có 20ha đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 300 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, DN thu lợi nhuận 6 tỷ đồng/năm. “Việc UDCNC đã giúp vườn cây được chăm sóc tốt hơn, giảm nhân công và chi phí, chất lượng sản phẩm cũng được bảo đảm”, bà Cao Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Kim Long chia sẻ.

Các vùng nhãn xuồng cơm vàng tại huyện Đất Đỏ.
Các vùng nhãn xuồng cơm vàng tại huyện Đất Đỏ.

Không chỉ trong trồng trọt mà hoạt động chăn nuôi cũng được các DN, chủ trang trại chú trọng ứng dụng công nghệ.

Trang trại chăn nuôi heo UDCNC của Công ty TNHH Trang Linh (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) hiện đang nuôi 35.000 con heo thịt và 3.000 con heo nái. Ông Phạm Trường Giang, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trang Linh cho hay, trang trại đang ứng dụng quy trình khép kín trong chuồng lạnh với thiết kế một nửa sàn xi măng, một nửa là đệm lót sinh học. Quy trình này giúp heo cân bằng nhiệt độ cơ thể khi thời tiết thay đổi và phát triển tự nhiên. Công ty cũng vừa được tỉnh công nhận là DN UDCNC đầu tiên tại tỉnh. “Từ khi sinh ra đến khi xuất chuồng, heo không phải tắm, giúp hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí điện, nước, thuốc thú y, bảo đảm vệ sinh môi trường nuôi do không phát sinh nước thải, không phải xử lý nước thải trong chăn nuôi. Đồng thời, công ty tiết kiệm khoảng 50% chi phí chăn nuôi, trong khi chất lượng thịt ngon hơn. Vì vậy, giá heo hơi của trang trại luôn bán cao hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg so với giá thị trường”, ông Giang nói.

Nuôi heo trong chuồng lạnh khép kín của Công ty TNHH Trang Linh.
Nuôi heo trong chuồng lạnh khép kín của Công ty TNHH Trang Linh.

Những năm gần đây, thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, vì vậy, nhiều nông dân đã ứng dụng CNC vào sản xuất, đặc biệt là các mô hình sản xuất thuận tự nhiên, theo hướng hữu cơ nhằm hướng tới một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững luôn được tỉnh khuyến khích triển khai.

Có thể kể đến mô hình nuôi tôm an toàn sinh học “CP.Biotic Farming” của HTX Chợ Bến, huyện Long Điền cũng ứng dụng công nghệ để việc nuôi tôm thuận lợi, an toàn hơn. Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến cho biết, HTX đang canh tác 3ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 8 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 1.000m2/ao; 1 ao ương tôm. Diện tích còn lại dùng làm ao lắng để bơm nước ra vào mỗi ngày. Mô hình này, ao được lót bạt, lắp nhà màng, nguồn nước được kiểm soát tốt, ngăn ngừa bệnh gây hại cho tôm và thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao. Mỗi năm, HTX Chợ Bến có thể sản xuất 3 vụ tôm, trung bình mỗi ao cho thu hoạch từ 2-2,5 tấn tôm. HTX cũng đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với mô hình nuôi tôm an toàn sinh học “CP.Biotic Farming”.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính đến hết tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh đã có 2 vùng NNUDCNC được UBND tỉnh công nhận gồm: vùng nuôi tôm UDCNC với diện tích 303,5ha tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) và vùng trồng hồ tiêu UDCNC tại xã Hòa Hội và Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc). Trên địa bàn tỉnh đã có 402 cơ sở sản xuất trồng trọt UDCNC với quy mô diện tích 5.694ha. Trong chăn nuôi có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi UDCNC. Trong lĩnh vực thủy sản, có 22 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 422,3ha.

Hình thành vùng NNCNC

Đến nay, các vùng NNCNC đều gắn với thế mạnh của từng địa phương như: huyện Đất Đỏ phát triển vùng sản xuất rau, hoa các loại, cây ăn quả (mãng cầu, mãng cụt, sầu riêng, nhãn xuồng cơm vàng), vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản. Huyện Châu Đức phát triển vùng sản xuất hồ tiêu, ca cao, vùng chăn nuôi heo, chăn nuôi gà. Huyện Xuyên Mộc phát triển vùng sản xuất hồ tiêu, cây ăn quả (nhãn, thanh long), vùng chăn nuôi tập trung. Huyện Côn Đảo phát triển vùng nuôi trai lấy ngọc...

Ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, thời gian qua, triển khai Đề án 04, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã bước phát triển tích cực. Quy mô diện tích, số mô hình sản xuất UDCNC được mở rộng và đến nay tổng diện tích sản xuất ứng dụng CNC trên địa bàn huyện đạt 279,9ha, tăng thêm 186,8ha so với trước khi thực hiện Đề án 04. Các công nghệ được áp dụng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh, trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel...

Mô hình nuôi tôm an toàn sinh học CP Biotic Farming của HTX Chợ Bến, huyện Long Điền.
Mô hình nuôi tôm an toàn sinh học CP Biotic Farming của HTX Chợ Bến, huyện Long Điền.

Theo ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT, sau 5 năm triển khai Đề án 04 bước đầu đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện giá trị sản phẩm NNUDCNC là 3.789 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,48%, tăng 2,26% so năm 2021; giá trị sản phẩm thủy sản UDCNC 13.809 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 47,52%, tăng 3,69% so năm 2021.

Sản xuất UDCNC giúp các cơ sở chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt một số tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP... đồng thời sản xuất có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài UDCNC, các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, bền vững trong sản xuất, gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chăm sóc bưởi tại Trang trại Kim Long, huyện Châu Đức.
Chăm sóc bưởi tại Trang trại Kim Long, huyện Châu Đức.

“Việc triển khai Đề án 04, quy hoạch các vùng sản NNCNC đã mang lại một số lợi ích cho nông dân thụ hưởng như: hạ tầng sản xuất, hạ tầng thông tin và hạ tầng công nghệ tại các vùng quy hoạch phát triển NNCNC đã có nhiều nâng cấp. Nhiều vùng nguyên liệu tập trung đang dần hình thành. Nhiều công nghệ tiên tiến đang được chuyển giao nhanh vào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi tư duy và mô hình sản xuất truyền thống, tạo ra những mô hình sản xuất mới, hiệu quả có tính lan tỏa cao, góp phần tạo nên diện mạo mới cho ngành nông nghiệp”, ông Thái cho hay.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.