Tín dụng đang phục hồi tích cực

Thứ Tư, 10/11/2021, 22:18 [GMT+7]
In bài này
.

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ ngay từ đầu năm, nên mặc dù  chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhưng hoạt động tín dụng vẫn có sự cải thiện. Báo cáo của NHNN cho biết, tính đến đầu  tháng 11/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 8,6% so với cuối năm 2020, cao hơn mức 6,5% của cùng kỳ năm 2020.

Tính đến đầu tháng 11/2021, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế tăng 11,89% so với cuối năm 2020. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV Phú Mỹ.
Tính đến đầu tháng 11/2021, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế tăng 11,89% so với cuối năm 2020. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV Phú Mỹ.

Kỳ vọng vào những tháng cuối năm

Theo NHNN, đây là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch bịch diễn biến phức tạp. Điều này cho thấy, nhu cầu tín dụng đang hồi phục tích cực khi nền kinh tế dần được mở cửa trở lại sau nhiều tháng giãn cách xã hội. Chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế; thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế”.

Ghi nhận tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng của một số đơn vị khá ấn tượng. Ông Đoàn Văn Tuyến, Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh Vũng Tàu cho biết, 10 tháng năm 2021, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này vào khoảng 20%. Hay như tại HDBank - chi nhánh Vũng Tàu, ông Nguyễn Gia Hồng, Giám đốc cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh tại đơn vị cũng đạt kết quả tích cực. Nguồn vốn huy động và nguồn vốn cho vay đều tăng cao so với cùng kỳ. Với đà này, năm 2021, nguồn vốn huy động tại đơn vị sẽ tăng khoảng 18% và 8% nguồn vốn cho vay.

Báo cáo của NHNN, chi nhánh BR-VT cho biết, từ tháng 6 đến tháng 9/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19 và thực hiện kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ du lịch và nhiều loại dịch vụ khác bị ngưng trệ, hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn, giảm lao động làm việc, giảm công suất sản xuất, chi phí sản xuất tăng... dẫn đến hoạt động ngân hàng nói chung cũng chịu nhiều tác động, trong đó nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nền kinh tế giảm. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2021, nguồn vốn tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng ổn định trở lại do các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn được khôi phục sau khi tỉnh thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt.

 Tính đến đầu tháng 11/2021, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 119.000 tỷ đồng, tăng 11,89% so với cuối năm 2020.

Hi sinh lợi nhuận, chia sẻ khách hàng

Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, việc dần mở cửa các hoạt động kinh tế tại nhiều địa phương trên cả nước, môi trường lãi suất thấp cũng là một yếu tố quan trọng kích thích nhu cầu tín dụng phục hồi nhanh chóng.

Trong tháng 10/2021, các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chương trình giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu, cho vay mới nhằm tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, góp phần ổn định và phát triển kinh tế địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao tối đa là 4,5%/năm; Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 5,3-10%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-10%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 8,5-11,5%/năm.  

Bên cạnh đó, các NH còn tung các gói tín dụng giá rẻ ra thị trường để kích cầu tín dụng. Chẳng hạn HDBank, từ nay đến hết ngày 31/12/2021, HDBank tăng gói hỗ trợ DNNVV (SME) lên 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này được dành cho các khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn lưu động và đáp ứng các điều kiện tín dụng chuẩn SME của HDBank với lãi suất chỉ còn từ 6,2%/năm…

Ngân hàng Bản Việt triển khai gói vay 9.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 2% cho DNNVV. Theo đó, các DN, đặc biệt là DN SME sẽ được tiếp cận với gói ưu hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ đồng.  Căn cứ vào thực trạng của DN, mức độ ảnh hưởng cụ thể, các DN sẽ được Ngân hàng Bản Việt đưa ra các giải pháp phù hợp như giảm lãi suất vay ngắn hạn, trung và dài hạn đến 2% một năm, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí... Ngoài ra, các thủ tục cũng được cải tiến đơn giản, nhanh chóng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận với dòng tiền.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.