KCN đang thích ứng ra sao trước diễn biến mới của dịch bệnh?

Thứ Tư, 10/11/2021, 22:13 [GMT+7]
In bài này
.

Từ giữa tháng 10/2021 đến nay, tại các KCN đã xuất hiện nhiều chùm ca lây nhiễm dịch COVID-19 mới. Trước tình hình trên, các DN đã đẩy mạnh mức phòng chống dịch cao hơn so với quy định của Bộ Y tế nhằm bảo đảm an toàn để sản xuất, thích ứng tình hình mới.

Các DN tiếp tục tăng cường test nhanh nhằm hạn chế dịch.  Trong ảnh: Test nhanh SARS-CoV-2 cho người lao động tại Công ty TNHH Thủy sản Hòa Thắng.
Các DN tiếp tục tăng cường test nhanh nhằm hạn chế dịch. Trong ảnh: Test nhanh SARS-CoV-2 cho người lao động tại Công ty TNHH Thủy sản Hòa Thắng.

Thích ứng với tình hình mới

Ông Hồ Nam, Trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Thép SMC (thuộc hệ thống Công ty CP Đầu tư Thương Mại SMC-KCN Phú Mỹ 1) cho biết, Công ty CP Đầu tư Thương Mại SMC có 3 DN với 500 lao động, hiện 100% đã được tiêm vắc xin mũi 1 và đang chờ tiêm mũi 2. Trước nguy cơ dịch bùng phát, DN đã đẩy mạnh mức phòng dịch so với quy định của địa phương và Bộ Y tế. Cụ thể, DN tổ chức test định kỳ 7 ngày/lần 10% người lao động, 100% với nhân viên bảo vệ, nhà ăn. Đối với các đơn vị giao nhận hàng, tài xế vận chuyển, nếu chưa tiêm vắc xin mũi 1 không được phép vào nhà máy. Chỉ cho các tài xế và nhân viên giao nhận hàng vào nhà máy đã tiêm 1 mũi cùng với giấy test nhanh âm tính còn hiệu lực trong 7 ngày. Với những người đã tiêm đủ 2 mũi, phải có giấy test nhanh âm tính dưới 14 ngày. DN cũng đã lên kịch bản cụ thể và diễn tập phương án phòng chống dịch. Theo đó, khi có ca F0, F1 thì rà soát cách ly tại khu vực nhỏ nhất, để các bộ phận khác vẫn hoạt động bình thường.

Theo các DN, Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã mở cơ hội cho DN khôi phục sản xuất. Trước tác động và diễn biến mới của dịch các DN cũng đã thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng trong “tình hình mới”.

Ông Lee Huyun Ho, Giám đốc nhân sự & Tổng vụ Công ty CP Thép Posco Yamato Vina, KCN Phú Mỹ 2 cho biết, thời điểm này công ty đang thực hiện tái sản xuất theo lộ trình “2 tại chỗ, vùng xanh”. Hiện đã có gần 100% công nhân tham gia hoạt động tái sản xuất sau khi đã hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1.

Trong khi đó, ông Chien Chung Chih, Giám đốc Hành chính, Công ty TNHH SanFang Việt Nam, KCN Mỹ Xuân A cho biết, DN đã thực hiện chia nhỏ các bộ phận, dây chuyền thành nhiều cụm nhỏ, mỗi cụm có khoảng 4 người làm việc. Cách tổ chức này giúp DN  duy trì sản xuất, vừa hạn chế tối đa số người tiếp xúc lẫn nhau, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch khi xuất hiện ca nhiễm.

“Dịch COVID-19 chắc chắn sẽ không dễ dàng được dập tắt trong thời gian tới, nên DN buộc phải thay đổi để thích ứng”,  ông Chien Chung Chih cho biết.

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Ông Lê Xá, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, đến nay vẫn còn 33 DN với 9.375 lao động tại các KCN tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do môt số DN xảy ra các ca lây nhiễm dịch, khó khăn về việc nhập nguyên vật liệu. Ngoài ra một số DN không có đơn hàng mới hoặc nhà máy đang trong giai đoạn bảo trì.

Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, các DN đã đề xuất siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch, kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Khi DN có ca mắc COVID-19 cần sớm đưa F0 ra khỏi nhà máy, tổ chức cách ly F1 tại chỗ; đồng thời hỗ trợ DN về địa điểm lưu trú tập trung để duy trì sản xuất; cập nhật thông tin về cấp độ dịch… Các DN cũng kiến nghị, khi xuất hiện ca dương tính ở khâu nào thì chỉ khoanh vùng, xử lý ở khâu đó, không đóng cửa DN, để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nhằm tạo điều kiện cho các DN phục hồi sản xuất, tỉnh đã xác định mở cửa khôi phục hoạt động theo lộ trình đối với DN sản xuất công nghiệp. Vì vậy, các sở, ngành chức năng cùng các địa phương được giao nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể để DN kịp thời khôi phục hoạt động sản xuất trên cơ sở bảo đảm an toàn, thích ứng linh hoạt với diễn biến tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cộng đồng DN tiếp tục khắc phục và vượt qua khó khăn bằng mọi giá để giữ chân khách hàng, giữ vững thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Việc giữ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần cùng tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.