Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất cao với đề xuất của các Bộ, ngành và tỉnh BR-VT về chủ trương làm tuyến cáp ngầm vượt biển dài hơn 78km, dẫn điện lưới quốc gia ra Côn Đảo.
Nhân viên Điện lực Côn Đảo vệ sinh tấm pin mặt trời tại Nhà máy điện An Hội - Côn Đảo. |
NGUỒN CẤP ĐIỆN ĐANG QUÁ TẢI
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia Côn Đảo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong năm 2020, huyện Côn Đảo chỉ đón trên 180 ngàn lượt khách du lịch và năm 2030, du khách đến với hòn đảo này sẽ đạt 300 ngàn lượt khách. Tuy nhiên, thực tế lượng du khách đến Côn Đảo trong năm 2020 tiếp tục chiều hướng tăng ‘nóng”, chạm mốc hơn 323 ngàn lượt khách, vượt tầm nhìn 2030.
Lượng khách tăng ngoài dự đoán, kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ khách sạn, nhà hàng nhiều hơn, khiến hệ thống điện tại huyện đảo quá tải. Hiện nay, những KDL như Six Senses Côn Đảo, Sài Gòn - Côn Đảo… đều phải trang bị thêm máy phát điện. Trong khi đó, trên địa bàn huyện hiện có 30 dự án đã được cấp phép đầu tư với tổng số vốn gần 4.000 tỷ đồng và 40 triệu USD (13 dự án đã hoạt động, 8 dự án đang xây dựng, 9 dự án đang chuẩn bị thủ tục đầu tư). Nhiều dự án mới về nghỉ dưỡng được đầu tư, lượng du khách đến ngày một đông khiến cho tình trạng thiếu điện trên địa bàn huyện Côn Đảo dự báo sẽ gay gắt hơn trong một vài năm tới.
Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh BR-VT được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 4694/QĐ-BCT ngày 1/12/2016, nhu cầu điện của huyện Côn Đảo đến năm 2025 dự báo là 21MW, đến năm 2030 là 33,3MW và 46,4MW đến năm 2035. Trong khi đó, hiện nay nguồn điện cung cấp cực đại trên địa bàn huyện Côn Đảo chỉ đạt hơn 11,8MW (công suất khả dụng 9,6MW), thiếu hụt 6,8MW so với nhu cầu thực tế.
Công nhân Điện lực Côn Đảo kiểm tra máy phát điện diezel Côn Đảo. |
CẤP THIẾT ĐẦU TƯ ĐIỆN CHO CÔN ĐẢO
Để giải quyết tình hình thiếu điện, năm 2020, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã đầu tư 13,5 tỷ đồng cho Côn Đảo để xây dựng điện mặt trời và mua sắm trang thiết bị máy móc để phát điện bằng máy phát. Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, dự kiến năm 2021, Công ty sẽ đưa vào vận hành một tổ máy phát điện có công suất 1,5MW để tăng thêm nguồn cung điện cho Côn Đảo. EVNSPC cũng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cho hệ thống điện ở Côn Đảo và thực hiện công trình tích hợp các nguồn điện không nối lưới và công trình điện mặt trời, tuy vậy đây chỉ là những giải pháp tình thế. Do giá thành sản xuất điện cao nên hàng năm EVNSPC đều phải bù lỗ. Chỉ tính từ năm 2015 - 2020, ngành điện đã phải bù lỗ cho Côn Đảo với số tiền 446 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2020 phải bù lỗ hơn 64,2 tỷ đồng. Đây thực sự là áp lực cho EVNSPC trong điều kiện vừa phải bảo đảm nhu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế vừa bảo đảm cân đối nhu cầu hàng năm cho nguồn và lưới điện trên địa bàn huyện Côn Đảo.
Định hướng phương án cung cấp điện cho Côn Đảo giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương xác định ngoài việc xây dựng Nhà máy Điện mặt trời Bãi Ông Câu (5 MW) và các dự án điện khác tại chỗ, phải xây dựng tuyến cáp ngầm từ Sóc Trăng để cấp điện cho huyện Côn Đảo mới đáp ứng được nhu cầu. Vừa qua, UBND tỉnh đã họp thống nhất, phối hợp cùng EVN khảo sát thực tế để có những số liệu cụ thể trước khi đề xuất phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo bằng điện lưới quốc gia từ Sóc Trăng.
Phương án ổn định, lâu dài và ít tác động đến môi trường
Chung quanh các ý kiến cho rằng có thể sử dụng các giải pháp khác để cấp điện cho huyện Côn Đảo như điện năng lượng mặt trời, điện gió, LNG… đại diện Sở Công thương thông tin thêm, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), Sở Công thương đã nhiều lần phối hợp làm việc với các cơ quan liên quan để tìm phương án tối ưu cấp điện cho Côn Đảo. Việc cấp điện cho Côn Đảo cũng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó có tính đến các phương án nguồn điện tại chỗ như điện than, khí, năng lượng tái tạo. Nếu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, khi điều kiện thời tiết bất lợi cũng không bảo đảm được nguồn cung. Vì vậy, phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm là phù hợp, bảo đảm tính ổn định và tin cậy nhất.
Bên cạnh đó, EVN đã tính đến 5 phương án cấp điện cho Côn Đảo, trong đó có 3 phương án cấp điện bằng lưới điện quốc gia, 2 phương án đầu tư nguồn cấp điện tại chỗ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, khảo sát các yếu tố đặc thù của Côn Đảo, EVN cho rằng giải pháp cấp điện từ lưới điện quốc gia từ trạm 220kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đến điểm tiếp bờ gần mũi ĐK là tối ưu nhất, vừa đáp ứng yêu cầu cấp điện ổn định lâu dài cho huyện đảo và giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái trên huyện đảo, đặc biệt bảo tồn rừng quốc gia và các di tích lịch sử.
|
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh BR-VT ngày 20/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với phương án này. Theo đó, điện sẽ được lấy từ trạm ở Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) kéo 3km đường dây trên bờ, 15km trên biển cạn và 78km cáp ngầm, cùng với một trạm biến áp 110 KV... Tổng vốn dự kiến để thực hiện là 4.800 tỷ đồng. “Côn Đảo là di sản, là địa chỉ đỏ của nhân dân Việt Nam. Dù có tốn bao nhiêu tiền cũng phải đầu tư bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cơ bản. Chưa nói Côn Đảo đang có rất nhiều cơ hội phát triển tốt. 4.800 tỷ là lớn, không phải là nhỏ; kéo cáp 100km vượt biển là dài, nhưng so với lịch sử lại quá nhỏ bé. Tập trung cấp điện ổn định cho Côn Đảo là trách nhiệm của chúng ta hôm nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU